'Tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án NOXH, hạ tầng công nghiệp'
Tại Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 12/9, các chuyên gia đã bàn luận xung quanh những bất cập của thị trường vốn - một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản.
Theo đánh giá của ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là thị trường trái phiếu.
"Tôi đề nghị chúng ta nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Đây là cái mà hiện nay, đặc biệt là Mỹ, châu Âu đang phát triển rất nhiều, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả", ông Cường nói.
Vị này cho rằng, bối cảnh hiện nay cần một thị trường không chặt quá, không lỏng quá, không cầu toàn để làm sao giải tỏa bớt áp lực lên thị trường tiền tệ. Bởi nếu không thì dòng tiền sẽ từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra qua chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến tăng trưởng và đây có thể nói vòng luẩn quẩn trong xung đột chính sách.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cả ba yếu tố là đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn hiện nay cần phải được cân đối bởi đây là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.
"Việc căng thẳng về room tín dụng trong thời gian gần dây không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa.
Thời gian tới, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần đánh giá tính bất định, bất trắc cao hơn nhiều, đặc biệt là ở khía cạnh nền kinh tế Trung Quốc. Khả năng bất trắc cao là ở nền kinh tế này như thị trường bất động sản Trung Quốc đang không phục hồi được,… Đây là thị trường rất quan trọng, cần có những dự báo chính xác", ông Thiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ nên thận trọng với cung tiền. Với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu, cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.
Ngoài ra, theo vị này, cần linh hoạt trong việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản, đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội,… Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, có tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng, quan trọng là con số tổng thể cả năm.
Còn theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, bây giờ đã đến lúc chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là hấp thụ vốn. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt.
"Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới hạn mức tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản? Tôi nghĩ là không cần, vấn đề quan trọng là nguồn vốn cần ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào và theo tôi phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp,…
Ngoài ra, phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ", chuyên gia nhấn mạnh.