|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các mỏ vật liệu phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam

03:43 | 13/04/2021
Chia sẻ
Về nguồn vật liệu phục vụ cho thi công, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết hiện nay, nếu không giải quyết sớm thì không thể đưa dự án khai thác vào năm 2022.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các mỏ vật liệu phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam. (Ảnh: Quang Toàn/TTXVN).

Chiều 12/4, tại Thanh Hoá, trong chương trình của đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông có buổi làm việc với đại diện UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An và các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải về tình hình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, nguồn vật liệu phục vụ thi công…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ Nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được Quốc hội hết sức quan tâm, hiện ngân sách nhà nước đã bố trí gần 79.000 tỷ đồng, như vậy là nguồn kinh phí không thiếu. 

Tuy nhiên, qua báo cáo và kiểm tra thực địa cho thấy một số vấn đề phát sinh đang ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án. Mặc dù việc giải phóng mặt bằng khá tốt nhưng hiện các vướng mắc nổi cộm của dự án này lại là việc thiếu nguồn vật liệu đất cho thi công. 

 Do đó, cần xem xét khó khăn vướng mắc ra sao để cùng bàn, cùng tháo gỡ. Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phối hợp giải quyết.

Báo cáo chung về nguồn vật liệu của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án cao tốc Bắc-Nam rất lớn, cụ thể khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.

"Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số dự án, một số nhà thầu sau khi trúng thầu và triển khai thi công có phản ánh với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án về việc một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ không đáp ứng được khối lượng cung cấp theo nhu cầu của dự án. 

Lý do các mỏ này đồng thời phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác đang xây dựng của địa phương dẫn đến các nhà thầu tranh mua tại mỏ có cự ly vận chuyển gần để giảm giá thành; đồng thời công suất sản xuất của mỏ không đáp ứng kịp so với tiến độ yêu cầu. 

Một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép; một số mỏ trong quy hoạch của địa phương đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Ngoài ra, một số mỏ do tư nhân đang khai thác chưa sẵn sàng ký hợp đồng để chờ giá lên cao…", ông Lê Quyết Tiến thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, để đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, đáp ứng tiến độ đề ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện một số giải pháp. 

Cụ thể, lãnh đạo Bộ trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo các tỉnh và các sở, ngành liên quan của địa phương có dự án đi qua đề nghị các tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được…

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ đề nghị đầu tư nâng công suất khai thác với các mỏ có công suất khai thác không đáp ứng yêu cầu nhưng có đủ điều kiện; làm việc với các địa phương thống nhất và cam kết việc sử dụng đường địa phương làm đường công vụ phục vụ thi công…

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến với UBND tỉnh nơi có dự án đi qua chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An đều khẳng định quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đến nay giải phóng mặt bằng đã đạt được kết quả tốt góp phần chung vào giải phóng mặt bằng chung toàn dự án.

Cụ thể, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, dự án thành phần cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua địa phương 14,35 km hiện, tỉnh đã giải phóng mặt bằng 13,17 km, đạt 94,84%. Đối với mặt bằng còn lại, tỉnh đang phấn đấu xong trước ngày 20/4 tới.

Đối với nguồn vật liệu, hiện 3 mỏ đã được lựa chọn với trữ lượng 10,8 triệu m3 nhưng việc khai thác các mỏ này không đáp ứng được trữ lượng; trong đó có một mỏ là Sòng Vặn dù đã được cấp phép khai thác nhưng lại khó khăn trong giải phóng mặt bằng và đường công vụ. 

Vì vậy, tỉnh đề nghị cho phép được khai thác các mỏ vật liệu khác nằm trong quy hoạch để giải quyết khó khăn trên.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài 98,5km, đến nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng được 95,7km, đạt 97,2%; đối với phần khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại, UBND tỉnh cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2021.

Về nguồn vật liệu phục vụ dự án, ông Mai Xuân Liêm khẳng định với các mỏ hiện nay đã được cấp phép khả năng cung cấp đảm bảo khối lượng phục vụ thi công dự án.

Tuy nhiên về cung cấp đất đắp với công suất hiện nay thì còn thiếu hơn 8,5 triệu m3, trong khi khối lượng cát để cấp cho dự án còn thiếu khoảng 407.304m3. Do đó, cần thiết phải nâng công suất khai thác và bổ sung cấp giấy phép khai thác các mỏ đất nằm trong quy hoạch trong thời gian tới.

Dưới góc độ doanh nghiệp trực tiếp quản lý dự án, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu và giải phóng mặt bằng. 

Hiện trên toàn dự án qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá với chiều dài 63,7 km có 63 mũi thi công đồng loạt trên công trường với hàng nghìn kỹ sư, công nhân. Chỉ riêng hạng mục hầm Tam Điệp nhà thầu cam kết tháng 5 tới sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, ông Dương Viết Roãn cũng kiến nghị địa phương phối hợp giải quyết một số vướng mắc trong cấp phép thi công cầu vượt qua Quốc lộ 47. Riêng đối với gói thầu mới khởi công, Ban Quản lý dự án đề nghị địa phương hỗ trợ về các thủ tục khai thác mỏ và giải phóng mặt bằng.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, địa phương nào lãnh đạo tỉnh, cấp uỷ quan tâm vào cuộc thì tiến độ dự án cải thiện rõ rệt. So kiểm tra cách đây hơn hai tháng, tiến độ chung toàn dự án có nhiều tích cực.

Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An đã cam kết mốc thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng thì cần quyết liệt đảm bảo. Riêng tỉnh Nghệ An còn vướng nhiều cần quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Về nguồn vật liệu phục vụ cho thi công, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết hiện nay, nếu không giải quyết sớm thì không thể đưa dự án khai thác vào năm 2022. Đề nghị các địa phương trong thẩm quyền phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải tìm cách tháo gỡ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, các mỏ đất đã được cấp phép rồi thì ưu tiên nâng công suất mặc dù không nhiều. Do đó, mấu chốt của vấn đề là rà soát những mỏ nằm trong quy hoạch để bổ sung khai thác đáp ứng nhu cầu thi công trong thời gian tới. Tuy nhiên để làm được điều này thì cần tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đường công vụ vào mỏ.

Về kiến nghị của địa phương và Bộ Giao thông Vận tải cần cơ chế đặc thù trong cấp phép các mỏ vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu và sẽ có báo cáo để xem xét, tháo gỡ cho công trình trọng điểm quốc gia này về đích đúng tiến độ.

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã trực tiếp thực địa các mỏ đất tại dự án và cũng xem xét tâm tư của chủ mỏ và những khó khăn thực tế tại các mỏ này.

Nguyễn Dũng

Chân dung công ty con của PV Trans muốn niêm yết HOSE: Cổ phiếu gấp 10 lần từ đáy
PVT Logistics có hoạt động chính là kinh doanh vận tải biển. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng cao nhờ cải thiện biên lợi nhuận và khoản thu bất thường từ bán tàu.