Tìm cách cứu các dự án thua lỗ
Một cái tên được nhắc đến với số nợ “khủng” đang muốn hồi sinh là dự án Nhà máy đạm Hà Bắc. Dự án này được đưa vào vận hành thương mại ngày 10-4-2015, chậm tiến độ 8 tháng do giải phóng mặt bằng và 3 tháng do “sự kiện” biển Đông tháng 5-2014.
Hồi sinh dự án “đắp chiếu”
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến hết 9 tháng đầu năm 2016, lỗ lũy kế của dự án Nhà máy đạm Hà Bắc khoảng 1.450 tỉ đồng (lỗ kế hoạch 2 năm đầu là 723 tỉ đồng). Tương tự, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình đang gánh số lỗ lũy kế khoảng 2.700 tỉ đồng, trong khi lỗ kế hoạch chỉ khoảng 1.055 tỉ đồng. Ngành đạm còn tự “ghi tên” thêm 2 dự án thua lỗ khác là Nhà máy đạm DAP Lào Cai (lỗ 281 tỉ đồng chỉ riêng nửa đầu năm 2016) và Nhà máy đạm DAP Hải Phòng.
Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ lũy kế khoảng 1.450 tỉ đồng Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính nâng mức thuế suất nhập khẩu phân đạm từ 3% lên 6% - mức cao nhất theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới. Chưa kể, nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát phân bón nhập khẩu qua đường cửa khẩu phụ, lối mở cũng đã được triển khai. Bộ Công Thương cũng giao Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng vệ thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế cho một số sản phẩm phân bón và sẽ sớm đề xuất với Chính phủ.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, sau các cuộc họp liên quan đến việc xử lý dự án thua lỗ, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của Vinachem về việc giãn, giảm trích khấu hao cho dự án đạm Hà Bắc với điều kiện chủ đầu tư phải hoàn trả mọi khoản nợ. Giải pháp này cũng được áp dụng cho đạm Ninh Bình. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính sớm đề xuất sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng theo hướng đưa phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng được giao làm việc với Vinachem để nghiên cứu cơ cấu lại các khoản vay nợ, đề xuất cụ thể mức lãi suất và thời gian khoanh nợ đối với các khoản nợ của dự án. Đặc biệt, bởi có nhiều dự án ngập trong nợ nần và chậm tiến độ nên Vinachem sẽ phải nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu; tìm nguyên nhân chủ quan dẫn đến thua lỗ; khẩn trương thực hiện cổ phần hóa hoặc phá sản đối với các DN, dự án kém hiệu quả, báo cáo Thủ tướng trong trường hợp không bảo toàn được vốn nhà nước...
Phập phù các dự án nhiên liệu sinh học
Đối với những dự án nhiên liệu sinh học kém hiệu quả, rất nhiều phương án đã được đặt ra, kể cả cho phá sản.
Với dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, một phương án cũng được đưa ra là nhà thầu - Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) - tiếp tục triển khai dự án với một số thuận lợi nhất định. Ngoài ra, phương án thanh lý hợp đồng với PVC, chủ đầu tư thuê đơn vị khác tổ chức thực hiện tiếp dự án cũng đang được cân nhắc.
Đối với dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, để vận hành lại trong năm 2017, Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) đề nghị các cổ đông góp bổ sung vốn lưu động 51 tỉ đồng. Khi đó, doanh thu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017 dự kiến là 155 tỉ đồng với chi phí 210 tỉ đồng; lỗ cả năm 154,4 tỉ đồng do khấu hao, lãi vay, chênh lệch tỉ giá… Trong khi đó, với phương án 2 là gia công sản phẩm E100 cho DNTN Phú Lợi với chi phí 2.600 đồng/lít, sản lượng 11.000 m2 E100 thì có thể lỗ đến 165,1 tỉ đồng.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Công ty Interchem Pte Ltd (Hà Lan) đã đề xuất hợp tác kinh doanh với BSR-BF để tháo gỡ khó khăn cho dự án. Trong phương án giữa BRS-BF và Interchem Pte Ltd vào cuối năm ngoái, quyền sở hữu, rủi ro và lợi nhuận liên quan đến nguyên liệu, sản phẩm có thể được chia theo tỉ lệ Interchem Pte Ltd 40%, BSR-BF 40%. Hình thức hợp tác này cũng được cho là đã áp dụng thành công với Nhà máy Ethanol Tùng Lâm trong 2 năm qua.
Chờ “kim bài”
Với dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng Nhà máy Gang thép Lào Cai, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) - đơn vị thực hiện - cho biết chất lượng kỹ thuật, công nghệ thiết bị bảo đảm, nhiều chỉ tiêu vượt thiết kế và việc thua lỗ hoàn toàn do cơ chế thị trường.
Với dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ do Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư, phương án đầu tiên được đưa ra là cho phá sản. Một phương án khác là doanh nghiệp tự duy trì sản xuất, sau đó thoái vốn. Theo kế hoạch, đến năm 2019, dự án này có thể bù được chi phí và có lãi nếu như có các “kim bài”: xử lý triệt để vấn đề tài chính thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc tăng vốn điều lệ; áp thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm sợi DTY từ 3% đến 5%... Phương án cuối cùng là hợp tác với đối tác nước ngoài.
Bộ Công Thương nan giải “cứu” các dự án thua lỗ
Các dự án thua lỗ doanh nghiệp vẫn phải chủ động thỏa thuận, giải quyết vấn đền tín dụng, giãn hoãn nợ hay giảm lãi ... |
Dự án ngàn tỷ đắp chiếu: Càng làm càng lỗ, đắt khách đại gia
Chính phủ, Bộ Công Thương đang quyết liệt xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả gây bức xúc trong dư ... |
Xử lý dứt điểm các dự án 'dở sống dở chết' của ngành công thương trong 2 năm tới
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu cần có giải pháp để các dự án có thể được tiếp tục khai thác hiệu quả cao ... |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ
Đối với 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết kịp thời, đồng thời giao ... |