|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ

14:22 | 29/12/2016
Chia sẻ
Đối với 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết kịp thời, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỗ trợ thêm xử lý giải quyết các bất cập hiện nay.
thu tuong yeu cau bo cong thuong xu ly kip thoi 12 du an thua lo
Dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công Thương. Ảnh: Vietnamnet.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 sáng 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nội dung cải cách hành chính, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp người dân rất lớn. Bộ Công Thương cũng hỗ trợ rất tốt hoạt động xuất nhập khẩu, Thủ tướng đánh giá.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết kịp thời, vững chắc, bình tĩnh 12 nhà máy đắp chiếu thua lỗ. Đồng thời, Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỗ trợ thêm xử lý giải quyết các bất cập hiện nay.

Về tình hình ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng năm 2016 chỉ ra một số điểm tích cực. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng 8,6% và thặng dư thương mại đạt 2,68 tỷ USD. Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng đây là kết quả rất tích cực nếu xét trong bối cảnh chung của toàn thế giới cũng như thị trường giá cả thế giới, đặc biệt là khi giá dầu giảm tác động tiêu cực tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tổng mức luân chuyển hàng hóa cũng như giá trị tiêu dùng của toàn xã hội tăng khoảng 10,4% cũng là mức cao so với năm ngoái, trong khi giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,4%. Những điều kiện đó góp phần vào sự tăng trưởng chung của GDP.

Theo yêu cầu tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế khoảng 7% GDP, ngành công thương sẽ đảm bảo tăng trưởng về điện từ 11-11,5% mỗi năm. Trong năm 2016, tăng trưởng điện tổng sản xuất và nhập khẩu khoảng 11,28%, là mức cao so với tổng sơ đồ 7.

Nhiệt điện sẽ giúp tăng trưởng điện 11,5%

Dự kiến tăng trưởng những năm tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng phải đảm bảo mỗi năm tăng trưởng 11,4% - 11,5% từ nay đến năm 2020 mới đáp ứng nhu cầu của đất nước. Bởi theo Bộ trưởng, tiềm năng thủy điện của Việt Nam sắp "hết hạn", năm nay thủy điện chiếm 34%, năm 2017 còn 32%. Tiềm năng nhiệt lớn hơn, năm 2017 phải lên đến 40%, năng lượng tái tạo chưa phát triển được nhiều. Đặc biệt, nếu các diễn biến thời tiết phức tạp, lũ, lượng mưa thay đổi và cung cấp than sẽ ảnh hưởng. Do đó, việc đảm bảo cân đối năng lượng sẽ rất căng thẳng.

Theo đó, để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù để đảm bảo cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, các dự án cung cấp vùng nguyên liệu phục vụ cho các dự án điện qua đó đảm bảo cho việc phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất một số biện pháp lớn năm 2017 và năm tới, Bộ Công Thương cần phải tập trung đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt phải đưa vào vận hành năm 2017 và thời gian tới như dự án Vĩnh Tân 1, Duyên hải 2,3, cũng như dự án nhiệt điện Sông Hậu, nhiệt điện Thái Bình, Long Phú. Đưa vào hoạt động, các nhà máy này sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng yêu cầu là 11,5%.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng sẽ tập trung quyết liệt cho các dự án về hạ tầng nguồn, đặc biệt là hệ thống hạ tầng của truyền tải điện, tăng thêm khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Trung khoảng 5 tỷ kWh/năm.

Ngoài ra, trọng tâm công tác trong năm 2017 của ngành Công Thương, đảm bảo đúng yêu cầu cho năng lượng cũng như đảm bảo cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo đời sống người dân.

Thương mại đóng góp 28%/năm vào GDP

Về lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016 thị trường bán lẻ tăng trưởng cao với mức độ tăng trưởng đóng góp vào GDP là 28,6%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 7 triệu lao động.

Theo Bộ trưởng, Bộ đã thực hiện các dự án lớn và cũng như đã thực hiện các cam kết như mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời điều chỉnh, điều hành một cách phù hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. “Tuy nhiên trong tổng thể chung, các chính sách cập nhật diễn biến của thị trường cũng như trong hội nhập chưa kịp thời và đầy đủ", người đứng đầu ngành công thương nhận định.

Bộ trưởng cũng chỉ ra một số vấn đề khi các địa phương có xu hướng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho nước ngoài về mặt khai thác điều kiện đất đai, mặt bằng, cơ chế khác rất khó dẫn đến nhiều lĩnh vực nước ngoài chiếm 100%.

Ngoài ra, còn khó khăn về chính sách giữa các hệ thống chợ nông thôn khi chưa được quan tâm về chính sách, tín dụng, ưu đãi đầu tư. Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa.

"Bộ khẩn trương xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm nội địa và thị trường trong nước cho phù hợp với những cam kết", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Thái Hoàng