|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok bị buộc giao nộp thuật toán 'gây nghiện' cho Trung Quốc

06:57 | 18/08/2022
Chia sẻ
Cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc cho biết các công ty công nghệ lớn như Alibaba, ByteDance, Tencent đã nộp thông tin về các thuật toán của một số ứng dụng phổ biến nhất cho cơ quan này.

Theo SCMP, cuối tuần trước (13/8), cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố danh sách 30 ứng dụng đã đã cung cấp chi tiết các thuật toán đề xuất của họ trong việc phục vụ nguồn cấp nội dung và kết quả tìm kiếm.

Đáng chú ý, trong nhóm nói trên xuất hiện 6 ứng dụng của Alibaba, một từ ByteDance, hai từ Tencent, ba ứng dụng từ Baidu. Đây đều là những ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc, có thể kể đến như WeChat của Tencent với gần 1,3 tỷ người dùng, các sàn TMĐT gồm Taobao và Tmall của Alibaba. 

Ứng dụng video ngắn Kuaishou, nền tảng dịch vụ theo yêu cầu Meituan và trang Weibo cũng xuất hiện trong danh sách do CAC công bố. Cơ quan này cho biết họ sẽ cập nhật danh sách khi có thêm nhiều bản đệ trình.

 ByteDance, công ty mẹ của TikTok. (Ảnh: Reuters).

Bằng cách tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, các thuật toán đề xuất đã điều chỉnh dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu cá nhân của người dùng, đã ảnh hưởng đến xu hướng internet và các cuộc thảo luận trực tuyến ở Trung Quốc, nơi có dân số cư dân mạng lớn nhất thế giới, cũng như các thị trường lớn nhất cho thương mại điện tử, trò chơi điện tử và điện thoại thông minh.

Dù công nghệ thuật toán đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và sử dụng internet rộng rãi hơn tại quốc gia tỷ dân này nhưng nó cũng gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như khi một số công ty internet sử dụng dữ liệu về khách hàng của họ để tính thêm phí. 

Công nghệ này đã giúp các công ty Big Tech ở Trung Quốc có được lợi thế trong một ngành công nghiệp cạnh tranh cao. Công nghệ thuật toán hấp dẫn đến mức Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã từng gây áp lực buộc ByteDance bán TikTok vào năm 2020, tuy nhiên kỳ lân công nghệ Trung Quốc không muốn chuyển mã nguồn của ứng dụng ra nước ngoài.

“Chiếc xe có thể được bán, nhưng không phải động cơ", tờ SCMP dẫn nguồn một nguồn tin. Thậm chí, Bắc Kinh đã phản ứng với động thái của cựu Tổng thống Trump bằng cách cập nhật danh mục các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu bên ngoài Trung Quốc, trong đó có “công nghệ dịch vụ khuyến nghị thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu” và “giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo”.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thu hồi lệnh hành pháp của ông Trump trong việc tìm cách cấm TikTok và ban hành một lệnh mới để xem xét các mối lo ngại về an ninh về ứng dụng của ByteDance.

Forbes: 300 nhân viên của ByteDance từng làm việc cho Trung Quốc

Mới đây, truyền thông Mỹ tiếp tục tăng cường giám sát ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ứng dụng video ngắn TikTok thuộc sở hữu của ByteDance. Theo Forbes, 300 nhân viên hiện tại của ứng dụng TikTok và ByteDance đã từng làm việc cho các hãng truyền thông nhà nước.

Báo cáo dựa trên hồ sơ nhân viên công khai trên LinkedIn, cho biết hồ sơ “tiết lộ mối liên hệ đáng kể giữa công ty mẹ của TikTok, ByteDance và bộ phận tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc”, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng nền tảng ByteDance để gây ảnh hưởng đến dư luận.

Forbes đưa tin rằng ByteDance đã thuê những người trước đây từng làm việc tại các cơ quan truyền thông nhà nước, bao gồm Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đài Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), thuộc sở hữu của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc. Đài truyền hình Trung ương. 

Theo báo cáo của Forbes, khoảng 300 nhân viên của ByteDance, trong đó có 50 nhân viên tại TikTok, đã làm việc tại Tân Hoa Xã, People’s Daily và CGTN, và một số vẫn đang làm việc tại các hãng truyền thông nhà nước này.

Một đại diện của ByteDance cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng ByteDance không cho phép nhân viên của mình có công việc thứ hai hoặc bán thời gian. Hiện ByteDance đang có khoảng 100.000 nhân viên trên toàn cầu. 

Doanh Chính