|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát ở phía Nam tăng mạnh

11:36 | 03/06/2020
Chia sẻ
Tháng 5/2020, Tập đoàn Hòa Phát bán ra thị trường 258.500 tấn thép xây dựng các loại, tăng 14,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó thị trường phía Nam tiêu thụ 80.650 tấn, gấp gần 3 lần cùng kì 2019.
Tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát ở phía Nam tăng mạnh - Ảnh 1.

Hòa Phát tiêu thụ 258.500 tấn thép xây dựng trong tháng 5/2020. Ảnh minh họa: Song Ngọc.

Theo Hòa Phát, sự tăng trưởng đột biến ở khu vực phía Nam đạt được là nhờ Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi đi vào hoạt động thử nghiệm với công suất 2 triệu tấn thép xây dựng/năm.

Lũy kế 5 tháng, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước 1,26 triệu tấn thép xây dựng, tăng nhẹ so với mức 1,16 triệu tấn của 5 tháng đầu năm ngoái. Riêng khu vực miền Nam tăng gần gấp 2 lần với hơn 292.000 tấn.

Xuất khẩu thép thành phẩm 5 tháng đạt 160.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kì 2019. Các thị trường xuất khẩu thép thành phẩm lớn gồm Nhật Bản, Australia, Canada, Thái Lan, Campuchia, Malaysia,…

Đối với phôi thép, từ đầu năm tới nay, sản lượng xuất khẩu đạt 596.000 tấn, trong đó riêng Trung Quốc đại lục là 316.000 tấn, chiếm 53%, còn lại xuất khẩu sang Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Sri Lanka, Philippines.

Gần đây, Hòa Phát đã kí hợp đồng xuất khẩu 120.000 tấn phôi thép cho Công ty TNHH Tập đoàn CIEC Hàng Châu (Hangzhou Ciec Group Ltd), Trung Quốc. Tổng trị giá hợp đồng là trên 1.000 tỉ đồng. Đơn hàng sẽ được giao làm nhiều đợt từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8/2020.

Về Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất, ngày 24/5 vừa qua Hòa Phát đã thuê nguyên chuyến bay đưa 15 chuyên gia từ châu Âu đến Việt Nam để hỗ trợ giai đoạn hoàn thiện dây chuyền thép cuộn cán nóng (HRC), thuộc giai đoạn 2 của Khu liên hợp.

Tuy nhiên các chuyên gia này vẫn đang phải cách li tại Khách sạn The Harmonia thuộc Khu Kinh tế Dung Quất cho tới khi đủ thời hạn 14 ngày thay qui định về phòng dịch COVID-19. Chi phí thuê chuyên cơ khoảng hơn 200.000 USD.

Dây chuyền sản xuất HRC của Hòa Phát do Tập đoàn Danieli (Italy) cung cấp, công suất 2,5 triệu tấn/năm. Từ nay đến cuối tháng 8, dự kiến Hòa Phát Dung Quất sẽ kết thúc quá trình căn chỉnh thiết bị, chạy thử nóng và phấn đấu có sản phẩm HRC cung cấp cho thị trường trong tháng 9 tới.

Trước đó hồi giữa tháng 3/2020, Hòa Phát cho hay dây chuyền HRC của Khu Liên hợp Dung Quất đã lắp đặt xong thiết bị, dự kiến chạy thử và đi vào hoạt động ngày 1/4.

Tuy nhiên do đại dịch COVID-19 lan rộng, các nước ban hành lệnh hạn chế đi lại nên nhà thầu Danieli (Italy) không thể cử chuyên gia công nghệ kĩ thuật cao sang Việt Nam. Dây chuyền HRC do đó mà bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Song Ngọc