|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tiền sử dụng đất-một trong những điểm nghẽn của thị trường BĐS

22:24 | 12/04/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tiền sử dụng đất đang là một trong những vấn đề làm nghẽn thị trường bất động sản hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Nam Long cho biết, việc tính toán tiền sử dụng đất chưa sát với thực tiễn giá thành xây dựng công trình và hạ tầng, dẫn đến mâu thuẫn giá bán cao nhưng khi trừ đi giá thành xây dựng thì còn lại thấp, làm khó cho chủ đầu tư.

“Tôi đề nghị thành phố lập lại công thức tính tiền sử dụng đất phù hợp với TP. HCM thì mới giải quyết bài toán này một cách căn cơ và phát triển bền vững, cũng như an toàn cho những người thừa hành”, ông Quang kiến nghị.

Nêu vướng mắc về vấn đề này, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, hiện tập đoàn đang có một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở cho khách hàng, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện. Đại diện Tập đoàn Novaland kiến nghị thành phố sớm phê duyệt tiền sử dụng đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ, tiếp tục triển khai các dự án.

Tiền sử dụng đất-một trong những điểm nghẽn của thị trường BĐS - Ảnh 1.

Tiền sử dụng đất-một trong những điểm nghẽn của thị trường bất động sản tại TP. HCM hiện nay.

Còn ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Hưng Thịnh cho rằng, hiện nay, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên – Môi trường luôn lấy mặt bằng giá hiện tại để định giá nhằm đảm bảo “an toàn”. Như vậy, doanh nghiệp không thể đáp ứng được do nhiều doanh nghiệp đã tạm đóng tiền sử dụng đất và bán sản phẩm cách đây vài ba năm.

“Nếu định giá cao thì vô hình chung làm xấu thị trường cho cả khu vực. Tôi đề xuất Sở Tài chính và Sở Tài nguyên – Môi trường nên nghiên cứu định giá sớm, nếu không sẽ kéo theo vấn đề nguy hiểm về lâu dài, bởi doanh nghiệp không đóng tiền sử dụng đất dẫn tới người dân khiếu nại, xảy ra tranh chấp lớn trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Trung chia sẻ.

Trước thực trạng này, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các thủ tục pháp lý khi thực hiện cần có quy trình. Với quy trình liên quan đến quản lý nhà nước, cần làm rõ trách nhiệm của ai, cơ quan nào ở từng công đoạn cụ thể. Quy trình nào cũng phải có thời hạn giải quyết, các sở, ngành và cả Văn phòng UBND thành phố cũng phải có quy định về thời hạn nhất định hoàn thành ký, trả lời hồ sơ.

Về cơ chế xử lý các dự án bất động sản trong quá trình triển khai, ông Nhân đề nghị: “Vấn đề này thì vận dụng pháp luật là chính. Trong quá trình vận dụng, cái nào còn cách hiểu khác nhau thì phải bàn bạc, giữa liên sở phải bàn bạc, thảo luận với nhau, nếu khó thì UBND thành phố phải tháo gỡ. Nếu mâu thuẫn giữa văn bản hướng dẫn ở trên và quy định pháp luật thì phải kiến nghị ra Quốc hội, Chính phủ để sửa”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay, ở thành phố cứ 5 năm dân số tăng lên 1 triệu dân, bình quân cần đến 250.000 căn hộ. Bên cạnh đó, thu nhập đầu người không ngừng tăng nên nhu cầu về nhà ở vô cùng lớn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phát triển tại thị trường TP. HCM.


Duy Phương