Tiền rẻ, lãi suất thấp khiến công ty bảo hiểm hưởng lợi từ sản phẩm liên kết đầu tư
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết các công ty bảo hiểm nhân thọ đang tăng tốc khai thác dòng bảo hiểm liên kết đầu tư (ILP) trong điều kiện lãi suất thấp hiện nay và các quy định về bán bảo hiểm ILP đã được nới lỏng.
Theo dữ liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, giai đoạn 2015 - 2019, tổng doanh thu phí mới ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân 29,7%/năm. Trong đó, doanh thu phí khai thác mới của bảo hiểm ILP tăng tới 44,7%/năm.
Riêng giai đoạn 2017 - 2019, tăng trưởng của hai chỉ tiêu này lần lượt được ghi nhận là 23,6%/năm và 49,8%/năm, cho thấy các nhà bảo hiểm đã tăng tốc khai thác dòng sản phẩm ILP.
Theo VDSC, môi trường lãi suất thấp là một yếu tố dẫn tới sự tăng trưởng vượt trội của dòng bảo hiểm này.
Lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) trúng thầu mới đã giảm mạnh từ cuối năm 2017 cho đến nay khiến lãi suất kỹ thuật giảm, dẫn đến dự phòng toán học tăng. Do mối quan hệ nghịch biến giữa lãi suất TPCP và dự phòng toán học, môi trường lãi suất thấp từ cuối năm 2017 khiến chi phí dự phòng trở thành nỗi lo lớn của các nhà bảo hiểm nhân thọ.
Bộ Tài chính đã nhiều lần sửa đổi các quy định về trích lập dự phòng theo hướng nới lỏng nhằm giảm áp lực tài chính cho các nhà bảo hiểm (Thông tư 01/2019/TT-BTC và Thông tư 89/2020/TT-BTC). Mặc dù vậy, nếu lãi suất TPCP tiếp tục giảm thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó", theo VDSC.
Ở góc độ quản trị rủi ro, rủi ro của ILP đối với công ty bảo hiểm thấp hơn các sản phẩm truyền thống do phần phí thu về phân bổ cho đầu tư nhiều hơn cho bảo hiểm. Đồng thời, lãi suất cam kết thấp hơn sản phẩm truyền thống (bảo hiểm hỗn hợp).
"Vì vậy, ILP chiếm tỷ trọng càng cao trong tổng danh mục sản phẩm thì áp lực dự phòng của các công ty bảo hiểm càng thấp. Trong môi trường lãi suất thấp hiện tại, các công ty bảo hiểm càng có động lực tăng cường khai thác mảng ILP", VDSC nhận định.
Ngoài ra, ở góc độ thị trường hiện tại, sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán cũng là một chất xúc tác quan trọng trong quá trình khách hàng lựa chọn giữa bảo hiểm truyền thống và ILP do ILP thỏa mãn được cả hai tiêu chí về bảo vệ và đầu tư sinh lời cao.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng một khi chính sách tiền tệ thắt chặt trở lại khiến lãi suất tăng, tốc độ tăng trưởng của dòng ILP có thể không còn duy trì cao như hiện nay.
Bên cạnh đó, VDSC nhận định bảo hiểm ILP còn được hưởng lợi khi các quy định bán loại hình bảo hiểm này đã được nới lỏng.
Đến cuối năm 2018, Nghị định 151/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ các điều kiện trình độ chuyên môn của môi giới bảo hiểm ILP và số năm kinh nghiệm tối thiểu của đại lý bảo hiểm. Thay vào đó, quy định mới chỉ yêu cầu đại lý bán bảo hiểm ILP cần được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Bảo hiểm liên kết đầu tư (ILP) là một loại hình đặc biệt của bảo hiểm nhân thọ có cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Theo đó, khách hàng được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng.
ILP bao gồm hai loại sản phẩm là Bảo hiểm liên kết chung (Universal Life - UL) và Bảo hiểm liên kết đơn vị (Unit Linked Insurance Plan - ULIP). Điểm khác biệt lớn nhất giữa UL và ULIP là quyền quyết định phân bổ vốn đầu tư của khách hàng.
Với UL, công ty bảo hiểm quyết định toàn bộ hoạt động đầu tư và khách hàng được hưởng lợi nhuận đầu tư không thấp hơn một mức lãi suất đầu tư tối thiểu được cam kết khi ký hơp đồng.
Với ULIP, khách hàng được quyết định phân bổ vốn đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau của công ty bảo hiểm tùy khẩu vị rủi ro và hưởng lãi/chịu lỗ trên khoản đầu tư của mình và nhà bảo hiểm không cam kết về mức lãi tối thiểu.