Bạc – kim loại hút vốn nhất trên thị trường hàng hóa
Bạc là mặt hàng kim loại tăng giá mạnh nhất trên thị trường hàng hóa với mức tăng 46% kể từ đầu năm 2016, theo số liệu của quỹ PureFunds. Nhờ đó, PureFunds trở thành quỹ ETF đầu tư vào bạc có hiệu quả nhất thế giới trong năm 2016 với mức chia lợi nhuận cho các cổ đông lên tới 280%.
Bạc là kim loại quý tăng giá mạnh nhất trên thị trường kim loại kể từ đầu năm 2016 |
Lý do chính kích thích giới đầu tư ồ ạt đổ tiền vào thị trường kim loại quý trong năm nay là, chính sách lãi suất thấp kỷ lục của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Và yếu tố này chắc chắn không thể biến mất trong một sớm một chiều, ông Andrew Chanin – tổng giám đốc quỹ PureFund cho biết.
Nói cách khác, thị trường kim loại quý vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng lãi suất thấp trên toàn cầu trong dài hạn. Trước khi phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm nay, bạc đã mất hơn một nửa giá trị trong 3 năm liên tiếp.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang lần lượt hạ lãi suất cơ bản hoặc tung ra các chương trình mua tài sản khổng lồ để kích thích nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Kết quả là, lợi suất trên trái phiếu chính phủ, từ Nhật Bản cho tới Vương quốc Anh, đồng loạt xuống thấp kỷ lục.
“Xu hướng lãi suất thấp thực sự đã thay đổi bối cảnh thị trường. Nếu bạn đang nắm trong tay các khoản nợ công với lãi suất âm, thì mức lãi suất 0% vẫn sẽ hấp dẫn hơn so với lãi suất âm. Vì vậy, ngày càng nhiều người thích đầu tư vào thị trường kim loại quý”, ông Chanin cho biết.
Bạc vượt vàng, trở thành tài sản hút vốn mạnh trên thị trường kim loại quý |
Tất nhiên, lãi suất không phải là yếu tố duy nhất khiến bạc tăng giá mạnh hơn vàng trong năm 2016. Một lý do khác nữa là, sản lượng bạc được dự báo sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây do nhu cầu tiêu thụ dự báo giảm năm thứ 4 liên tiếp.
Theo dự báo của tập đoàn sản xuất CPM (Anh), sản lượng bạc sẽ giảm 2,4% xuống còn 784,8 triệu ounce trong năm 2016. Nguồn cung bạc thứ cấp – bạc được tái chế từ phế liệu và tiền xu – sẽ giảm 1% xuống còn 203 triệu ounce. Trong khi đó, nhu cầu bạc trong hoạt động chế tác trang sức, chế tạo đồ điện tử và pin mặt trời dự báo chỉ tăng nhẹ 1,6% lên 889,7 triệu ounce.
Đà phục hồi đáng ngạc nhiên của bạc không chỉ mang lại lợi nhuận lớn cho các quỹ ETF mà còn đẩy giá cổ phiếu của nhiều công ty lên cao. Tập đoàn sản xuất lớn nhất Mexico, Fresnillo, cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng hơn 2 lần. Fresnillo dự đoán, bạc sẽ duy trì được đà phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.