|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền lẻ đua nhau 'đội giá': Ai xử phạt người vi phạm ?

07:17 | 01/02/2019
Chia sẻ
Ngày 26 Tết âm lịch, sự khan hiếm của tiền mệnh giá nhỏ khiến mức chênh lệch đổi loại tiền này tăng cao. Đắt nhất là tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng, tăng dao động 200- 400%.
tien le dua nhau doi gia ai xu phat nguoi vi pham

Tiền 10.000 đồng và 50.000 đồng không có sẵn thậm chí còn khan hiếm do nhu cầu sử dụng cao. Tại các địa điểm chuyên đổi tiền tại Hà Nội như phố Đinh Lễ, Phủ Tây Hồ, phố Hà Trung, Chùa Hà... việc đổi tiền lẻ diễn ra sôi động.

Với đồng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng phí đổi được một chủ cửa hàng trên phố Hà Trung “hét” lên tới 1 triệu đồng (100 tờ mệnh giá 500 đồng, khách mất phí thêm 500.000 nghìn đồng). Tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng, chênh lệch đổi có thể lên đến 25% - 30% do Ngân hàng nhà nước không in tiền mới. Tiền USD mệnh giá nhỏ khách hàng phải trả phí khoảng 18% đến 30% cho tiền mệnh giá 1USD hoặc 2 USD tùy theo seri và năm in. Với tiền mệnh giá 1.000 đồng, mức đổi là 10 “ăn” 6; còn 2.000 đồng là 10 “ăn” 8. Với những tiền mệnh giá lớn hơn, phí đổi sẽ thấp hơn.

Sự khan hiếm của những tờ tiền lẻ mới trên chợ đổi tiền là khá dễ hiểu. Nhiều năm trở lại đây, NHNN chủ trương không phát hành nhiều tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán, nhằm tránh lãng phí và tiêu cực phát sinh.

Thực tế việc đổi tiền lẻ đang diễn ra công khai ngay các cơ sở thờ tự, chùa chiền, lễ hội... Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa là có địa chỉ, số điện thoại chỉ cần thống nhất giá cả, địa điểm sẽ có người mang tiền đến tận nơi, với số tiền cần đổi không hạn chế… Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật cấm nhưng một số người vẫn hoạt động ngang nhiên, công khai mà không bị xử lý?

Theo một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, hoạt động đổi tiền lẻ diễn ra công khai, ngày càng phức tạp chủ yếu là do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, các lực lượng công an, quản lý thị trường, ngân hàng chưa vào cuộc rốt ráo. Đặc biệt chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Việc này đòi hỏi các cấp ngành đặc biệt các lực lượng như công an, quản lý thị trường và ngân hàng cũng vào cuộc. Mặt khác, cũng cần xem xét việc các tổ chức tín dụng đã quản lý tốt số tiền có mệnh giá nhỏ được phân phối, phát hành hay chưa”, vị chuyên gia lưu ý.

Về phía NHNN, cơ quan này đã có giải pháp gì nhằm hạn chế những tiêu cực nêu trên? Cục phát hành kho quỹ NHNN cũng tái khẳng định với PV Tiền phong: Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, NHNN tiếp tục chủ trương không đưa các loại tiền mới in 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông như các năm trước đây, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện không đưa ra loại tiền 10.000 đồng mới in. Tuy nhiên, các loại tiền có mệnh giá từ 10.000đ trở xuống đã qua lưu thông đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn tiếp tục được cung ứng bình thường, đầy đủ cho nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

“Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm liên quan đến đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngoài thị trường theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc sai phạm, lợi dụng tiếp tay đổi tiền hưởng lợi bất chính của cán bộ trong ngành ngân hàng.”, đại diện NHNN khẳng định.

Xem thêm

Khánh Huyền

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.