Tiền đổ vào trái phiếu châu Á cao nhất 8 tháng
Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng ANZ cho biết, các nhà đầu tư đã đổ 9 tỷ USD vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp châu Á trong tháng 5, vượt mức 8,8 tỷ USD trong tháng 4. Hai con số này ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 9/2016.
Chiến lược gia đầu tư cao cấp tại đơn vị quản lý quỹ BNP Paribas tại London, Daniel Morris cho biết, những hy vọng ban đầu rằng tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm tăng lạm phát và tăng trưởng thông qua các gói kích thích tài khóa đã biến mất. Điều này khiến cả đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại.
"Vì vậy, trái phiếu châu Á bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn", ông Morris chia sẻ.
Theo một chuyên gia chiến lược, các nhà đầu tư hiện giờ có niềm tin vào sự ổn định, bền vững của cơ chế nới lỏng tiền tệ hiện nay hơn là vào tăng trưởng theo chu kỳ của lợi nhuận doanh nghiệp, chính vì thế trái phiếu châu Á trở nên hấp dẫn.
Số liệu của ANZ thu thập bao gồm thị trường trái phiếu mới nổi châu Á của Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc.
Hầu hết các quỹ đã bơm thêm tiền vào Ấn Độ trong hai tháng 4, 5, lợi suất trái phiếu chính phủ Ấn Độ kỳ hạn 10 năm vào khoảng 6,5%, trong khi ở Malaysia là 3,9%, ở Hàn Quốc là 2,13%.
Thực tế là những rủi ro chính trị tại châu Âu giảm, kỳ vọng lạm phát Mỹ thấp hơn và kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn đã hỗ trợ trái phiếu châu Á, Omar Slim, nhà quản lý danh mục đầu tư trái phiếu châu Á tại Singapore nhận định. "Châu Á cũng tiếp tục có các chỉ số tín dụng khá tốt".
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sức mạnh của thị trường trái phiếu có thể khiến nhu cầu giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên triển vọng dài hạn là tích cực, đặc biệt khi lạm phát thấp tại Mỹ đang làm giảm kỳ vọng vào việc Fed tăng lãi suất cao hơn.
Đầu tư vào trái phiếu châu Á cũng phần nào là một khoản đặt cược vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ là 5,5% trong năm 2017 và 5,4% trong năm 2018.
Dòng tiền cũng đang đổ vào khắp các loại tài sản tại châu Á, vì thế nhu cầu trái phiếu không phải là một rủi ro, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của ANZ Khoon Goh cho biết.
Dòng vốn đổ vào chứng khoán châu Á ở mức tích cực trong năm nay, và chỉ số chứng khoán MSCI châu Á loại trừ Nhật Bản cũng đã tăng tới 22%.
Theo ông Goh, nếu nhìn vào dòng vốn rất mạnh đang đổ vào trái phiếu và ít hơn vào chứng khoán, thì thật công bằng khi nói rằng đó là một rủi ro. Tuy nhiên, thực tế rằng dòng vốn đang đổ mạnh cả vào trái phiếu và chứng khoán, vì vậy đây không phải là rủi ro không mong muốn.
Sau khi chạm mức cao nhất 2 năm với 2,641% trong tháng 12, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm trở lại. Tuần trước, lợi suất trái phiếu này giảm xuống 2,103%, mức thấp nhất kể từ khi ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sau khi báo cáo cho thấy lạm phát lõi, đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 5 ở mức thấp nhất 2 năm.
Ngay cả việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cảnh báo sẽ tiếp tục tăng cũng không làm tăng lợi suất trái phiếu Kho bạc của nước này.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 5 năm, vốn rất nhạy với chính sách lãi suất, đã tăng lên mức cao nhất 4 tuần với 1,8% trong tuần trước. Tuy nhiên, mức lợi suất này vẫn thấp hơn đỉnh 2,148% đạt được hồi tháng 3.