|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 còn chậm

21:30 | 05/06/2024
Chia sẻ
Bên cạnh các địa phương có tỷ lệ mặt bằng bàn giao đủ điều kiện thi công cao, tiến độ bàn giao mặt bằng tại một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị còn chậm.

Sau gần 1,5 năm triển khai, tiến độ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) vẫn chậm do gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khai thác vật liệu và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến cuối tháng 5/2024, diện tích mặt bằng đã bàn giao cho dự án đạt gần 708 km, đạt hơn 98%; trong đó, phạm vi nhà thầu có thể tổ chức thi công đạt xấp xỉ 700 km.

Về tình hình bàn giao mặt bằng thi công dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, bên cạnh các địa phương có tỷ lệ mặt bằng bàn giao đủ điều kiện thi công cao, tiến độ bàn giao mặt bằng tại một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị còn chậm.

Môt dự án giao thông trọng điểm thi công cầm chừng vì thiếu vật liệu đất đắp. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN).

Phần mặt bằng còn lại chủ yếu vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Một số đoạn tuyến cần phải xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún từ 10 - 12 tháng như Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong (tỉnh Phú Yên) nếu không kịp thời bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 6/2024 sẽ khó hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 theo tiến độ yêu cầu.

Về công trình hạ tầng kỹ thuật, dù các địa phương và bộ, ngành liên quan đã cố gắng, song việc di dời đường điện cao thế 110, 220 và 500 kV tại một số nơi còn chậm. Đơn cử như tỉnh Hà Tĩnh còn 11/13 vị trí; Quảng Trị còn 2/3 vị trí; Bình Định còn 6/61 vị trí; Phú Yên còn 66/82 vị trí; Khánh Hòa còn 19/20 vị trí; Hậu Giang còn 6/7 vị trí, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt là được các vị trí qua khu vực phải xử lý nền đất yếu.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, do dự án đi qua một số khu rừng tự nhiên trên địa bàn 7 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có diện tích thay đổi so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15, cần phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng mất nhiều thời gian.

Như báo cáo của tỉnh Quảng Trị tại cuộc làm việc vừa qua của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội với đại diện các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi về mục đích chuyển đổi sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, địa phương có tổng diện tích được phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là hơn 84 ha, toàn bộ là rừng trồng; tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp phần phát sinh, tăng thêm là gần 17 ha; tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng theo Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH5 và phát sinh đề nghị điều chỉnh gồm điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng từ 84,19 ha thành 96,2 ha, điều chỉnh diện tích đất rừng từ 84,19 ha thành 101,19 ha.

Ngoài ra, tại một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 cũng bị ảnh hưởng tiến độ như đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn còn vướng 2,5km với khối lượng đào khoảng 2,6 triệu m3, tác động không nhỏ đến việc khai thác, điều phối vật liệu đắp nền đường.

Nhằm đảm bảo tiến độ thi công toàn dự án, Bộ Giao thông Vận tải  đã chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng cường nguồn lực, tổ chức thi công khoa học, hoàn thành dứt điểm các đoạn tuyến không vướng mặt bằng.

Theo đó, các chủ đầu tư cần tập trung tối đa máy móc, thiết bị, nhân vật lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý nền đường đất yếu, ưu tiên các đoạn đắp cao có thời gian chờ gia tải dài và các công trình thuộc đường găng của dự án như các cầu lớn, hầm… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hầm chui dân sinh, cống thoát nước, nền, móng, mặt đường, gia cố mái taluy, đường gom… phù hợp với tiến độ thi công.

Tuy nhiên, tại công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số địa phương vẫn chậm trong triển khai ảnh hưởng đến tiến độ các dự án; trong đó, có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh cần tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân.

Song song, phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các vị trí là đường găng về tiến độ thi công như khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công. Phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trong quý II/2024.

Diệp Anh

CEO Minh Phú giải bày câu chuyện nuôi tôm theo công nghệ mới và kế hoạch lợi nhuận kỷ lục
Theo lãnh đạo Minh Phú, với công nghệ nuôi tôm mới, công ty đã có nhiều đơn đặt hàng và kỳ vọng sản lượng tiêu thụ năm nay đạt đến 70.000 tấn, kéo theo đó là dự phóng doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng.