|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền chệch hướng

09:57 | 28/08/2016
Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số bán lẻ tháng 7-2016 sau khi trừ đi yếu tố lạm phát chỉ tăng 7,4%, thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Nếu tính cả lạm phát, tăng trưởng bán lẻ cũng chỉ đạt 9,4%, mức gần thấp nhất trong nhiều năm. Sức mua của người dân tiếp tục là vấn đề lớn của nền kinh tế hay nói các khác, sức cầu thấp đang tác động đến tăng trưởng GDP.
tien chech huong
Đến cuối tháng 7-2016, tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng đã tăng gần 10% so với cuối năm 2015. Ảnh: TUỆ DOANH

Khảo sát của Công ty Nielsen trong quí 2 năm nay còn chỉ ra người Việt đang trụ vững trong bảng xếp hạng tiết kiệm cao nhất thế giới. Hơn 76% trong số người khảo sát bởi Nielsen cho biết họ sẽ dành tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm, tức bỏ vào ngân hàng.

Kết quả là đến cuối tháng 7-2016, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng đã tăng gần 10% so với cuối năm ngoái, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán cùng thời gian trên là 9,45%. Tính về con số tuyệt đối, tổng phương tiện thanh toán lớn hơn so với tổng vốn huy động của ngân hàng. Tuy nhiên đặt hai tỷ lệ tăng trưởng này cạnh nhau, có thể dễ dàng hình dung tiền đưa vào lưu thông để kích cầu kinh tế đã chảy hầu hết vào ngân hàng. Như một định chế trung gian, tiền vào ngân hàng phải được phân bổ trở lại doanh nghiệp, nhưng đằng này nó lại được sử dụng để “đỡ” nợ xấu.

Tiền đang không đi đúng hướng cần thiết để hỗ trợ GDP, đó là thực tế không thể không nói đến. Vấn đề là nắn dòng tiền thế nào đây khi nợ xấu vẫn còn đó. Giờ là thời điểm phải áp dụng những biện pháp “đau như dao cắt” để vừa có thể giải quyết các điểm nóng tổ chức tín dụng yếu kém, vừa hạ mặt bằng lãi suất, nắn tiền chảy vào nơi cần. Biện pháp ấy gói gọn trong một vài từ: hạn mức huy động vốn.

Hiện tại quy định cho phép các ngân hàng được phép huy động gấp 20 lần vốn tự có. Vốn tự có thường gồm vốn điều lệ, các quỹ, trong đó có thặng dư vốn cổ phần. Giả sử một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, vốn tự có 4.000 tỉ đồng, được huy động tới 80.000 tỉ đồng từ dân cư, doanh nghiệp. Tỷ lệ này vô cùng lớn và nó là một trong số nhiều nguyên nhân gián tiếp gây ra nợ xấu.

Lấy gì để đảm bảo một ngân hàng có 1 đồng vốn tự có, được huy động tới 20 đồng từ dân cư và kinh doanh hiệu quả, đảm bảo không làm mất vốn của người gửi tiền khi mà tỷ lệ nợ xấu thực sự của cả hệ thống, như số liệu của Trung tâm Nghiên cứu BIDV công bố tháng 4-2016, khoảng 10-11% tổng dư nợ? Nếu chúng ta minh bạch và công khai, dám nhìn thẳng vào nợ xấu, nhiều ngân hàng hiện nay đã âm vốn tự có, tức không đủ khả năng, năng lực để thực hiện chức năng huy động vốn.

Trên thực tế, một số ngân hàng đang trong tình trạng huy động vốn sau để trả vốn trước, tức lấy tiền của người gửi trong tương lai trả cho người gửi hiện tại và của người gửi hiện tại trả cho những khoản tiết kiệm đến hạn. Luật các tổ chức tín dụng không có bất cứ điều nào, chương nào yêu cầu ngân hàng ngừng huy động vốn khi âm vốn chủ sở hữu cả. Thậm chí cả đến ngân hàng nợ xấu 95% tổng dư nợ (theo lời khai của ông Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng, tại tòa) như Ngân hàng Xây dựng dưới thời ông Phạm Công Danh, âm vốn chủ sở hữu hàng chục ngàn tỉ đồng, vẫn nhận tiền gửi của khách hàng như “không có chuyện gì xảy ra”.

Việc ngưng cho huy động vốn đã từng được sử dụng trong quá khứ khi chi nhánh NHNN TPHCM xử lý các ngân hàng yếu kém và đã minh chứng hiệu quả khả quan (xem bài Bài học đắt giá từ Ngân hàng Xây dựng trên TBKTSG số ra ngày 18-8-2016). Chúng ta hoàn toàn có thể làm mới lại kinh nghiệm ấy.

Dựa trên kết quả đánh giá của Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN về nợ xấu, khả năng chi trả, sở hữu chéo, cơ quan quản lý có đủ điều kiện để sàng lọc, phân loại các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó phân bổ hạn mức huy động vốn cho từng ngân hàng. Vì sao hiện nay chúng ta đang phân bổ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng, còn hạn mức huy động thì không? Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã thẳng thắn: “Những ngân hàng nào tỷ lệ cho vay bất động sản, BOT giao thông cao, phải điều chỉnh xuống, chừng nào về được mức an toàn, mới được xem xét nâng hạn mức tín dụng”. Sẽ không công bằng khi những ngân hàng khỏe mạnh và những ngân hàng đang “ngàn cân treo sợi tóc” cùng có một hạn mức huy động vốn như nhau.

Đừng nghĩ hạn mức huy động vốn sẽ làm cho tiền nhàn rỗi trong xã hội phình ra, không biết đi đâu. Một cái nhìn lo xa rằng cứ để như hiện tại, một ngân hàng nhỏ cũng có thể nhận hàng chục ngàn tỉ tiền gửi của dân, còn “bóp” lại hạn mức huy động, dân không có nơi gửi tiền. Hạn mức huy động vốn sẽ điều tiết để tiền vẫn chảy vào ngân hàng, nhưng đến những địa chỉ đáng tin cậy, giúp giảm lãi suất và khi lãi suất đã đủ thấp, tiền sẽ tự động san sẻ sang những kênh đầu tư khác như chứng khoán, sản xuất kinh doanh. Lãi suất cao tồn tại bao năm nay vô hình trung đang “giết dần giết mòn” thị trường vốn, mà đáng lẽ phải là kênh huy động vốn chủ đạo của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Theo Hải Lý

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.