Tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu đầu ngành
Dòng tiền đã đổ vào cổ phiếu bất động sản, giúp nhóm cổ phiếu này tăng giá trên 20% trong 1 tháng qua |
Dòng tiền đã âm thầm chảy vào các cổ phiếu nhóm ngành cơ bản để tận dụng cơ hội kiếm lời khi thị trường cứ từ từ tăng điểm. Tuy nhiên, dòng chảy của vốn vẫn luôn có sự đề phòng rủi ro với những biến động khó lường từ bên ngoài.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dòng tiền đi mạnh vào những nhóm cổ phiếu đầu ngành, được chú ý gần đây nhất là cổ phiếu cao su tự nhiên (TRC, PHR, DPR), săm lốp (DRC, CSM), bất động sản (NLG, DXG, VIC), xây dựng (CTD, HBC), tôn thép (HPG, HSG, NKG), nông nghiệp BHS, HAG, HNG, BFC, DPM)...
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đại diện cho các mã trên đều có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2016 và có thể còn tốt hơn trong năm 2017, khiến định giá theo phương pháp giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) càng trở nên hấp dẫn. Chẳng hạn, trong ngành xây lắp, CTCP Xây dựng Coteccon (CTD) và CTCP Xây dựng và địa ốc Hòa Bình (HBC) vừa công bố kế hoạch lợi nhuận 2017 tăng 20-30% so với năm trước, khiến giá cổ phiếu của DN tăng mạnh. CTD hiện tiến sát ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu, còn HBC hiện quanh mức 55.000 đồng/cổ phiếu.
Trong ngành sắt thép, hai mã HPG và HSG đang có mức P/E khá thấp do bị ảnh hưởng chung của ngành. Hầu hết các cổ phiếu thép niêm yết khác đều thuộc những công ty quy mô nhỏ hơn và lợi nhuận thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào mảng thương mại.
Năm 2017, HPG đặt kế hoạch lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, nhưng thị trường kỳ vọng, DN có thể thực hiện vượt kế hoạch từ việc chốt giá 70% nhu cầu quặng sắt cho cả năm ở mức 70 USD/tấn, thấp hơn mức giá hiện tại là 90 USD/tấn.
Riêng quý đầu năm nay, Công ty này dự kiến lãi tối thiểu 1.800 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong khi đó, HSG đang tích cực đầu tư, để tháng 5 tới đưa thêm các dây chuyền mới vào sản xuất, nâng công suất và sản lượng tiêu thụ.
Dòng cổ phiếu bất động sản tốt vượt dự kiến khi các DN như DXG, TDH, NLG đều hoàn thành vượt mức lợi nhuận năm 2016 và năm nay đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá cao, đối lập với nghi ngại “thị trường bất động sản đã tạo đỉnh” của nhiều nhà đầu tư.
Năm 2017, DXG đặt kế hoạch 700 tỷ đồng lợi nhuận. Gổ phiếu DXG đang giao dịch ở mức P/E 2017 là 7 lần. Tuy nhiên, với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu 13%, DXG bị áp lực pha loãng cổ phiếu.
Dòng tiền đã đổ vào cổ phiếu bất động sản giúp nhóm cổ phiếu này tăng giá trên 20% trong 1 tháng qua. Hiện chỉ còn SCR, cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản có thương hiệu trên sàn, còn ở dưới mệnh giá.
Trong bối cảnh thanh khoản toàn TTCK tăng cao hơn 4.000 tỷ đồng/phiên trên 3 sàn và TTCK chứng khoán phái sinh sắp triển khai, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, tiềm năng của cổ phiếu chứng khoán còn phụ thuộc vào danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán. C
hẳng hạn, tại HCM, năm 2017 tiếp tục kỳ vọng sẽ tăng trưởng thuận lợi ở các mảng môi giới, cho vay ký quỹ. Nếu năm 2015, tự doanh của HCM không đóng góp được nhiều thì năm nay, mảng tự doanh của HCM đang chứng tỏ hiệu quả với danh mục MWG, NVL, VJC, SAB.
Thông tin từ thị trường cho biết, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã tăng dùng vốn vay. Mặc dù chưa thấy rõ thị trường có khả năng tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu đã tăng dần đều, vừa tăng vừa kết hợp các phiên điều chỉnh. Khi có thông tin tốt, giá cổ phiếu thường không bật tăng ngay mà từ từ tăng theo động thái mua dần dần của nhà đầu tư. Diễn biến giá cổ phiếu cho thấy, dù thận trọng nhưng nhà đầu tư đã không cưỡng nổi cơ hội đầu tư vào cổ phiếu khi định giá theo P/E rất thấp.
Theo các chuyên gia, tại thời điểm này, rủi ro thị trường không đến từ nội tại các doanh nghiệp, mà sẽ đến từ các yếu tố khách quan. Chẳng hạn, động thái tăng lãi suất USD của Fed có thể sẽ đẩy lãi suất huy động trong nước tăng lên, hoặc các sự kiện bất thường khác không thể lường trước. Tuy vậy, trong đà khởi sắc tuần qua, không ít ý kiến lạc quan cho rằng, VN-Index có khả năng đạt đến 1.000 điểm trong năm nay, nếu các doanh nghiệp lớn đã và sẽ niêm yết giữ vững đà tăng trưởng.