Tiệm vàng đổi 100 USD bị khám xét, thu giữ kim cương vàng bạc
Tiệm vàng Thảo Lực (ảnh chụp tối 23-10) - Ảnh: CHÍ HẠNH |
Quyết định xử phạt 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê khi đổi 100 USD tại tiệm vàng thuộc Trung tâm thương mại Cái Khế, thành phố Cần Thơ đã gây nhiều tranh luận trái chiều.
Ngoài chuyện khách đổi tiền và chủ tiệm vàng bị phạt nặng, còn có chuyện công an khám xét từ sân thượng đến phòng ngủ của chủ tiệm vàng và tịch thu nhiều kim cương, vàng bạc... mang đi.
Phạt nặng và tịch thu tang vật
Chiều 23-10, ông Trương Quang Hoài Nam - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - xác nhận đã ký 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền 270 triệu đồng đối với một người dân và chủ tiệm vàng Thảo Lực (Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực) ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Theo quyết định, ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), người đem 100 USD đi đổi bị phạt 90 triệu đồng về hành vi "mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ".
Chủ tiệm vàng Thảo Lực bị phạt 180 triệu đồng và bị tịch thu tang vật là 100 USD và 2.260.000 đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Rê cho biết ông hành nghề sửa chữa điện, lương hằng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Số tiền 100 USD trên ông được người bạn cho. Khi ông mang ra tiệm vàng để đổi thì bị lập biên bản và bị xử phạt nặng như trên.
Ông Rê nói không am hiểu pháp luật, ông thấy người ta chỉ đổi đôla ở tiệm vàng thì mang ra đổi chứ không biết tiệm vàng có được đổi đô hay không.
Ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, cho biết thời điểm đổi 100 USD cho khách và bị Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ bắt quả tang là ngày 30-1-2018.
Gia đình ông Lực kinh doanh tiệm vàng gần 20 năm nay. Địa điểm đăng ký kinh doanh là tại tầng trệt, có nộp thuế đàng hoàng, đầy đủ. Hiện ông đã đóng tiền phạt vào ngày 10-9, còn ông Rê nói chưa nhận được quyết định xử phạt và cũng chưa nộp tiền phạt.
Hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực |
Khám nhà, thu giữ kim cương, vàng bạc
Sau khi bắt quả tang vụ đổi 100 USD, cơ quan chức năng còn khám xét và thu giữ nhiều tài sản khác của tiệm vàng Thảo Lực mang đi.
"Tôi không hiểu lý do gì khi công an ập vào bắt vụ đổi ngoại tệ lại khám xét khắp nhà, từ trên sân thượng đến dưới đất. Phòng ngủ của gia đình tôi cũng bị khám xét" - ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, kết quả khám xét nhà ngoài tờ 100 USD của khách, công an không thu giữ được bất cứ ngoại tệ nào khác.
Phía công an cho rằng có đơn tố giác gia đình ông kinh doanh ngoại tệ nên khám xét. Sau khi khám xét, Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã thu giữ 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo, toàn bộ vàng trắng trong tiệm với lý do "không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài" và... một đầu thu camera an ninh.
Gia đình ông Lực cho rằng số kim cương bị thu giữ không phải được bày bán ngoài tủ trưng bày mà là để ở trong hộc tủ của gia đình. Đó là tài sản của vợ chồng ông nên không có hóa đơn, nhưng công an vin vào lý do không hóa đơn nên đã thu giữ.
Ngoài ra, ông Lực cũng thắc mắc không hiểu vì sao công an lại thu cả đầu thu camera nội bộ trong nhà mình, đến hơn 8 tháng sau mới trả lại. Khi nhận lại đầu thu thì đã bị hư hỏng, mất toàn bộ dữ liệu.
Tôi cũng không biết tại sao gần 9 tháng sau họ mới ra quyết định xử phạt hành chính. Ông Lê Hồng Lực |
Cũng theo ông Lực, đây không phải là lần đầu ông bị khám xét nhà. Vào tháng 6-2017, Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ cũng tới đọc lệnh khám nhà một lần và tạm giữ một số vàng trắng, sau đó ông bị phạt 8,5 triệu đồng.
"Việc khám xét nhà và tạm giữ vật dụng kinh doanh như vậy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình tôi. Khách hàng thấy vậy ai dám vào giao dịch, làm như vậy là gây sức ép cho doanh nghiệp, khó làm ăn và phát triển" - ông Lực nói thêm.
Liên quan đến vụ việc này, trong chiều và tối 23-10, Tuổi Trẻ đã nhiều lần liên lạc với cơ quan công an nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Phạt người đổi tiền: cần cân nhắcLuật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng cần xem lại nghị định 96 cho phù hợp thực tiễn. Việc UBND TP Cần Thơ căn cứ nghị định 96 năm 2014 để xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Cà Rê là không sai. UBND TP Cần Thơ nói riêng và chính quyền các địa phương nói chung phải áp dụng quy định pháp luật, không thể "xé rào", uyển chuyển cho đối tượng bị xử phạt. Theo luật sư Đức, việc xử phạt đã đủ tính răn đe, nhưng ở đây hiệu quả của việc xử phạt cũng sẽ rất khó khăn, không khả thi. Vấn đề là kiểm soát điểm kinh doanh, chứ không phải là cá nhân có nhu cầu nhỏ lẻ. Trong giao dịch hằng ngày, có nhiều trường hợp cho, tặng vài trăm USD, nếu có nhu cầu đem đổi không đúng nơi quy định rồi bị xử lý là cần cân nhắc. "Theo tôi, cần đánh giá và điều chỉnh nghị định 96 cho sát với thực tế và đi vào cuộc sống. Pháp luật cũng quy định trong trường hợp người bị xử phạt không có điều kiện nộp phạt, có thể được miễn giảm nên ông Rê có quyền làm đơn xin miễn, giảm mức đóng phạt", ông Đức nói. |
Người dân có quyền sở hữu, tặng, cho ngoại tệ nhưng chỉ được bán cho ngân hàng hoặc nơi được ủy quyền - Ảnh: T.T.D. |
Bán ngoại tệ ở đâu là hợp pháp?Theo quy định hiện nay, người có nhu cầu bán (đổi) ngoại tệ phải đến các chi nhánh ngân hàng hoặc các điểm được phép thu đổi ngoại tệ. Theo quy chế đại lý đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thì địa điểm đặt đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ có ở khách sạn 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài, văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không VN. Các đại lý này còn có ở các khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài. Ngoài ra một số tiệm vàng, công ty vàng được cấp phép trước đây cũng được phép thu đổi ngoại tệ. Các đại lý này chỉ được dùng VND mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy VND. Trường hợp các đơn vị không có giấy phép vẫn thu đổi ngoại tệ, nếu bị phát hiện thì không chỉ tổ chức này bị xử lý hành chính mà người có nhu cầu đổi ngoại tệ cũng bị xử lý theo nghị định 96. Cụ thể, đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500-600 triệu đồng. Đối với cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng. Các cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có phép còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc VND quy đổi. Vì vậy, người có nhu cầu đổi ngoại tệ tốt nhất nên đến những ngân hàng thương mại, còn khi đến các tổ chức kinh tế khác (tiệm vàng, khách sạn...) thì cần biết họ có giấy phép hay không. Ánh Hồng |
Xem thêm |