|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Nepal còn rất lớn

20:49 | 10/05/2019
Chia sẻ
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nepal diễn ra chiều ngày 10/5 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli tại Việt Nam.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nepal là một trong những hoạt động quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli tại Việt Nam, nhằm tạo cơ hội tiếp xúc của doanh nghiệp Nepal với lãnh đạo các Bộ, ngành và các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, để doanh nghiệp Nepal hiểu rõ hơn thị trường, cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại.

Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Nepal còn rất lớn - Ảnh 1.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nepal thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp

Trải qua hơn 4 thập kỷ quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam – Nepal đã không ngừng được duy trì, củng cố; hai bên luôn dành sự ủng hộ cho nhau tại các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam thành lập Lãnh sứ quán danh dự tại thủ đô Kathmandu Nepal năm 2016 đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu sắc, toàn diện hơn trên nhiều lĩnh vực, nhất là về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Tuy nhiên, dù hợp tác kinh tế hai nước có bước tiến đáng kể, song hiện được nhận định là vẫn chưa xứng với tiềm năng. Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quan hệ thương mại, bên cạnh các mặt hàng nông sản truyền thống, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Nepal là sản phẩm công nghiệp như: điện thoại di động, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, các loại nước uống đóng chai; Việt Nam có nhu cầu và nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Nepal là sợi, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, hương liệu, sản phẩm nông ngiệp khác. “Hiện kim ngạch thương mại giữa hai nước mới đạt 38 triệu USD do đó quan hệ đầu tư, thương mại và nhiều lĩnh vực khác còn dư địa lớn, do đó đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, khai thác”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện Việt Nam với độ mở kinh tế rất lớn, tới 208%, có điều kiện mở rộng thị trường, xuất khẩu và có những thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nepal thực hiện các hoạt động đầu tư, khai thác thị trường của nhau, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sản phẩm, ngành hàng Việt Nam đang tham gia vào các chuỗi giá trị.

Mặt khác, Việt Nam trong giai đoạn phát triển ổn định, tương đối cao, năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08% trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn, tăng trưởng thương mại cũng chịu nhiều tác động nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 13,6%. Riêng quý I/2019 tiếp tục chứng kiến sụt giảm chung của thương mại thế giới, nhưng Việt Nam tiếp tục giữ vững tăng trưởng trong 3 lĩnh vực kinh tế, đó là công nghiệp tăng hơn 9,7%, xuất khẩu tăng 6,2%, còn lại các ngành thương mại nội địa tăng 11%.

Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Nepal còn rất lớn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dù chưa đạt mức kế hoạch năm, nhưng quý I cho thấy sức sống của nền kinh tế Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới, cũng như tham gia các chuỗi giá trị khu vực, quốc tế. Đặc biệt, một loạt lĩnh vực mới Việt Nam đang có tiềm năng hợp tác với các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do, và ngay cả quốc gia có nền tảng tốt như Nepal. Thời gian tới, những lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may, chế biến khai khoáng, nông sản, thực phẩm; điện tử… đều là lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Nepal, kể cả chuyển giao công nghệ và khai thác thị trường thứ 3.

Nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, hội nhập là chủ trương nhất quán của Việt Nam đã được thực hiện, triển khai đồng bộ thời gian vừa qua, trong đó hội nhập kinh tế là cơ bản. Trên thực tế Việt Nam đã có 12 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang có hiệu lực, bên cạnh đó, Việt Nam đang thúc đẩy và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do quan trọng khác. Nếu hoàn tất, Việt Nam sẽ có khung khổ của Hiệp định thương mại tự do với phần lớn các nền kinh tế trong G20 của thế giới. Như vậy, không chỉ có điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mà Việt Nam còn có điều kiện tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ của nền kinh tế mà còn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Việt Nam rất coi trọng mới quan hệ hợp tác với Nepal, dù kim ngạch thương mại còn hạn chế nhưng tiềm năng và đặc biệt là những cơ sở, tư tưởng triết lý kinh doanh hợp tác hai bên có nhiều điểm tương đồng, khẳng định giá trị chung của hai nước có thể khai thác, phát huy, tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác hai bên”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá cao và hết sức lạc quan về mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam –Nepal, phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli cho biết ông có ấn tượng mạnh trước sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Việt Nam như một ngôi sao trong các nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mang tính bao trùm, toàn diện, là hình mẫu cho sự phát triển bền vững. Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam đang là nguồn cảm hứng cho Nepal.

Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli cũng cho hay, hiện Nepal đang có bước ngoặt lịch sử về quá trình chuyển đổi chính trị và đang bước vào giai đoạn xây dựng kinh tế, với quyết tâm thực hiện hoài bão chuyển đổi nền kinh tế nhằm tạo dựng một sự thịnh vượng chung cho đất nước. Vì vậy, ngoài nguồn lực của Nepal, hiện Nepal đang có nhu cầu lớn về hợp tác, đầu tư, mở rộng thị trường.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli cho biết, Nepal đang thực hiện các chính sách đầu tư cởi mở; xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thân thiện dành cho các nhà đầu tư trên thế giới trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam. "Nepal hiện cũng đang tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống vận chuyển nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng cơ hội khai thác kinh doanh tại Nepal, là thị trường trung chuyển thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Quốc, Ấn Độ"- Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Việt Nam và Nepal sẽ ký Nghị định thư đàm phán Hiệp định khung về hợp tác đầu tư, thương mại giữa Bộ Công Thương và Bộ Công nghiệp, thương mại cung ứng Nepal. Nếu đẩy nhanh tốc độ của Hiệp định đây sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng để mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước; tăng cơ hội cho doanh nghiệp hai bên tìm kiếm thị trường, tương lai hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên sẽ được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Hoa Quỳnh