|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại Việt Nam Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm: 7 nguyên nhân chính

14:29 | 06/04/2019
Chia sẻ
Năm 2018, thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm, quan hệ đầu tư giữa hai nước hầu như không có nhiều tiến triển.

Nhiều mặt hàng suy giảm kim ngạch xuất khẩu

Theo số liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố, kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với 168 tỷ USD, tăng 7% trong năm 2018, giúp thu hẹp thâm hụt thương mại 28,3% so với năm 2017, xuống còn 55 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 cũng giảm 4,6% xuống còn 223,1 tỷ USD. Sự sụt giảm về nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam.

Thương mại Việt Nam Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm: 7 nguyên nhân chính - Ảnh 1.

Xuất khẩu điện thoại sang Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm

Trong năm 2018, mặc dù quan hệ ngoại giao-chính trị giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có bước tiến mới được đánh dấu bằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 10 năm 2018, nhưng quan hệ hệ thương mại không có nhiều biến chuyển, thậm chí kim ngạch thương mại song phương còn sụt giảm, quan hệ đầu tư giữa hai nước hầu như không có tiến triển.

Trong lĩnh vực đầu tư, nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn quyết định đầu tư do diễn biến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không thuận lợi và cũng chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có dự định đầu tư sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, không có hoạt động xúc tiến thương mại đáng kể nào được tiến hành gữa hai nước và đóng góp vào tăng trưởng thương mại, ngoại trừ Diễn đàn Đầu tư Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam vào đầu tháng 10 năm 2018 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội ta với sự tham gia của 30 doanh nghiệp Việt Nam và khoảng 150 doanh nghiệp sở tại, tuy nhiên các doanh nghiệp chủ yếu đạt được sự hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư.

Về quan hệ thương mại với Việt Nam trong năm 2018, theo số liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 đạt 2,15 tỷ USD trong đó kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,84 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam là 308,7 triệu USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2018, tổng kim ngạch thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ đạt xấp xỉ 1,7 tỷ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,41 tỷ USD (giảm 25,8% so với năm 2017) và kim ngạch nhập khẩu đạt 285,64 triệu USD (tăng 27,6% so với năm 2017).

Trái với xu hướng tăng dần về những tháng cuối năm trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018 có xu hướng giảm dần về cuối năm, tuy nhiên những tháng sụt giảm mạnh nhất lại tương ứng với những tháng ngay sau tháng có biến động tỷ giá mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, theo số liệu của phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau đợt mất giá của đồng lira vào tháng 5 (khoảng 20%), kim ngạch xuất của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 sụt giảm chỉ còn 109,4 triệu USD, giảm tới 42,8% so với tháng 5. Cũng tương tự, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 đã giảm về mức 116 triệu USD, giảm tới 26,9% so với tháng 8 tương ứng với đợt mất giá của đồng lira.

Như vậy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018 biến động cùng chiều với xu hướng suy giảm nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này là dễ hiểu bởi vì quan hệ thương mại giữa hai nước dựa trên các chính sách thương mại trên cơ cớ sở tối huệ quốc và không có những thay đổi hay ưu đãi đặc biệt, đáng kể tác động đến chính sách thương mại giữa hai nước trong năm 2017. Hay nói cách khác, do không có những ưu đãi trong thương mại giữa hai nước và các hoạt động xúc tiến thương mại đáng kể giữa hai nước nên kim ngạch thương mại giữa hai nước vận động theo tình hình chung tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đánh giá về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ, có thể chia thành 2 nhóm chính: nhóm hàng tiêu dùng bao gồm điện thoại di động linh kiện, máy tính-thiết bị điện tử, dệt may, da giầy, hạt điều (đã chiếm tới 67,2% về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 theo số liệu của phía bạn) và nhóm nguyên liệu sản xuất như xơ sợi, máy móc thiết bị, vải, vải kỹ thuật, đá granite, gỗ (chiếm tỷ trọng 18,1%). Phần còn lại cũng có nhiều mặt hàng thuộc 2 nhóm trên nhưng tỷ trọng nhỏ.

Phần lớn các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoại tại Việt Nam sản xuất, xuất khẩu dưới thương hiệu riêng và chiến lược sản phẩm riêng và có hệ thống phấn phối rất chuyên nghiệp tại địa bàn sở tại, do đó kim ngạch xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào nhu cầu hàng tiêu dùng tại nước sở tại và sức cạnh tranh của sản phẩm về mặt thương hiệu, tính năng… với các sản phẩm cùng loại sản xuất tại các nước khác. Đối với nhóm hàng là nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ do nước này phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam cho sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu do đó sẽ phụ thuộc trực tiếp vào tình hình sản xuất công nghiệp và gián tiếp vào sức mua của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của nước này.

Trong năm 2018, các sản phẩm chính thường đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản như cao su, hạt tiêu đều bị giảm sút về kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng buồn là 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là điện thoại di động và linh kiện, máy tính – sản phẩm điện tử và linh kiện và xơ xợi lại đều sụt giảm, trong đó mặt hàng máy tính-thiết bị điện tử và linh kiện sụt giảm chỉ còn phân nửa so với kim ngạch năm 2017.

Trong năm 2018, các sản phẩm chính thường đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản như cao su, hạt tiêu đều bị giảm sút về kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng buồn là 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là điện thoại di động và linh kiện, máy tính – sản phẩm điện tử và linh kiện và xơ xợi lại đều sụt giảm, trong đó mặt hàng máy tính-thiết bị điện tử và linh kiện sụt giảm chỉ còn phân nửa so với kim ngạch năm 2017.

Bảy nguyên nhân chính

Thứ nhất, phải thừa nhận tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biến động bất lợi tác động trực tiếp làm suy giảm nhu cầu nhập khẩu nói chung và làm giảm xuất khẩu từ Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân sâu sa và tác động lớn nhất làm sụt giảm nhập khẩu. Kinh tế tăng trưởng chậm, đồng nội tệ mất giá, lãi suất tăng cao, niềm tin của người tiêu dùng sở tại suy giảm là những nguyên nhân trực tiếp mà khó có thể khắc phục ngay, các nỗ lực xúc tiến thương mại tại địa bàn sở tại cũng khó phát huy tác dụng.

Thứ hai, hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chiếm tỷ trọng lớn nhất đều là hàng tiêu dùng giá trị cao như điện thoại, máy tính, quần áo và giầy dép có thương hiệu của các hãng lớn trên thế giới nên nhu cầu nhập khẩu dễ bị tác động bởi tình hình phát triển kinh tế tại nước sở tại. Hơn nữa, những mặt hàng này do các doanh nghiệp đa quốc gia kinh doanh theo chiến lược và kênh phân phối riêng nên các cơ quan xúc tiến xuất khẩu khó có thể tác động hay hỗ trợ, ngoại trừ trong các vụ việc phòng vệ thương mại đã từng xẩy ra trước đây.

Thứ ba, các mặt hàng nguyên liệu sản xuất cũng không tránh nổi sụt giảm trong năm 2018 do các doanh nghiệp sản xuất tại nước sở tại gặp khó khăn vì lãi sất bị đẩy lên cao từ giữa năm và rất cao vào giai đoạn cuối năm do nỗ lực giữ giá trị đồng lira của chính quyền sở tại và không điều chỉnh đến hết năm 2018 (chỉ đến khi sang năm 2019 mới được hạ đôi chút). Cùng với những nguyên nhân gián tiếp như chi phí sản xuất tăng cao do lạm phát luôn ở mức cao trong nhiều năm, sức ép về tăng lương tối thiểu cho người lao động làm cho năm 2018 là một năm rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sở tại, khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu sản xuất từ Việt Nam giảm.

Thứ tư, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang rất tích cực thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp với quy định của WTO để hạn chế nhập siêu và bảo hộ sản xuất trong nước như việc áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung (thực chất là tăng thuế nhập khẩu lên bằng mức cam kết trong WTO) đối với rất nhiều mặt hàng có nhập khẩu từ Việt Nam, điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại lên hàng nhập khẩu (Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá trong một số vụ việc và nhiều mặt hàng chỉ có một vài doanh nghiệp được xuất khẩu không phải đóng thuế chống bán phá giá). Nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu mới được áp dụng như gia tăng các thủ tục hành chính gây khó khăn cho nhà nhập khẩu (quy định cung cấp thông tin nhậy cảm về nhập khẩu da giầy).

Thứ năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và không được hưởng thuế suất ưu đãi như trước đây. Việc này cũng làm gia tăng chi phí nhập khẩu hàng từ Việt Nam và làm giảm nhu cầu.

Thứ sáu, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp cả về chất lượng cũng như công tác tiếp thị, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao trên thị trường, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp làm tốt hơn công tác tiếp thị, đã có quan hệ làm ăn lâu dài với nước sở tại.

Thứ bẩy, về phía các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp chưa coi trọng địa bàn Thổ Nhĩ Kỳ, tâm lý còn e ngại tình hình an ninh và rất ít doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn, trong khi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất hạn chế.

Lê Phú Cường