|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tiềm ẩn rủi ro gì với cổ phiếu ngành phân bón?

23:48 | 13/03/2021
Chia sẻ
Giới phân tích chứng khoán đánh giá, giá phân bón gồm Urê và NPK hồi phục trong 2021 nhưng giá khí đầu vào cũng sẽ tăng. Điều này đang tiềm ẩn rủi ro đối với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.
Tiềm ẩn rủi ro gì với cổ phiếu ngành phân bón? - Ảnh 1.

Ảnh: Đạm Phú Mỹ.

Trên thị trường, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí với thương hiệu Đạm Phú Mỹ và cổ phiếu phân bón nói chung ghi nhận tăng trưởng vượt trội so với các nhóm ngành trong thời gian gần đây.

Đóng cửa phiên cuối tuần 12/3, cổ phiếu DPM giao dịch ở mức 18.950 đồng/đơn vị, với khối lượng hơn 3,3 triệu đơn vị. Với mức giao dịch này, cổ phiếu DPM đã tăng gần 19% sau một tháng từ 15.950 đồng/đơn vị lên 18.950 đồng/đơn vị tại thời điểm chốt phiên 12/3.

Hiện cổ phiếu phân bón diễn biến tích cực theo đà tăng giá phân bón. Theo thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón các loại tăng mạnh từ 5 – 15%, khoảng 40.000-100.000 đồng/bao (50kg) đối với phân bón DAP, NPK, Urê so với cách đây khoảng một tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích chứng khoán, giá phân bón gồm Urê và NPK hồi phục trong năm 2021 nhưng giá khí đầu vào cũng sẽ tăng. Điều này đang tiềm ẩn rủi ro đối với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân đạm ở Việt Nam chủ yếu là than đá và khí thiên nhiên.

Đối với Đạm Phú Mỹ, theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS), doanh nghiệp này ưu tiên lấy khí từ nguồn khí Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi do có phí vận chuyển thấp nhất. 

Trong trường hợp nguồn khí từ nguồn khí Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi không đủ thì lượng khí còn lại sẽ phân bổ từ các nguồn khí khác thuộc Bể Cửu Long và nguồn Khí Nam Côn Sơn theo tỷ lệ 60% và 40% của lượng khí còn lại. Những nguồn khí này ở xa nên chi phí thu gom và vận chuyển cao hơn.

Trên thế giới, giá khí đầu vào tăng khi chi phí giá dầu trung bình FO cũng ước tính tiếp tục tăng mạnh so với năm 2020 khi nền kinh tế hồi phục sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại và tiêu thụ năng lượng tăng cao.

Cùng với đó, cạnh tranh từ hàng nhập khẩu ước tính sẽ gia tăng cũng gây cản trở tăng trưởng của các doanh nghiệp phân bón. Khi rủi ro liên quan đến dịch bệnh giảm xuống, khó khăn thương mại có khả năng sẽ giảm dần, việc nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên làm ảnh hưởng sản lượng tiêu thụ phân bón trong nước.

Tuy nhiên, trước những rủi ro có thể gặp phải, cổ phiếu DPM vẫn được nhóm phân tích của BVS khuyến nghị đầu tư.

Theo luận điểm của BVS, tình hình thời tiết tiếp tục thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón, góp phần tăng trưởng chung của các doanh nghiệp phân bón.

Cụ thể, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đánh giá, hiện tượng thời tiết La Nina tiếp tục kéo dài trong quý I/2021 với xác suất 55% giúp kéo dài lượng mưa, cải thiện tình hình xâm nhập mặn, tác động tích cực với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực Nam Bộ trong mùa vụ Hè Thu 2021.

Ngoài ra, tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam khả quan do dư địa xuất khẩu nông sản sang châu Âu còn lớn. Giá trị xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm 1,4% giá trị nông sản nhập khẩu bởi EU28 khi các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Vương Quốc Anh (UKVFTA) bắt đầu có hiệu lực, giúp thuế nhập khẩu giảm dần về 0%. 

Ngoài ra, các hợp đồng xuất khẩu gạo tiếp tục được ký mới tại Philippines, châu Phi… với giá xuất khẩu duy trì ở mức cao trong đầu năm 2021.

Cùng năm 2021, nếu đề xuất thay đổi quy định về thuế VAT từ "không chịu thuế" sang "chịu thuế VAT 5%" được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón sẽ có thể được khấu trừ thuế đầu vào nên lợi nhuận cũng sẽ tăng lên.

Về phía Đạm Phú Mỹ thể hiện sự thận trọng trong việc đề ra các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2021. Theo mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu năm 2021 mà Đạm Phú Mỹ đặt ra là 8.331 tỷ đồng, giảm 10% so với kế hoạch năm 2020; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 365 tỷ đồng, giảm gần 16% so với kế hoạch năm 2020.

Trước đó, năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.762 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 7.683 tỷ đồng đạt được năm 2019. Lợi nhuận sau thuế còn 703 tỷ đồng, tăng gần 81% so với năm 2019, và vượt đến 62% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cả năm do chi phí giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng, chi phí bán hàng tăng.

Diệp Anh