|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thương vụ Vietcombank - GIC: Nhìn từ Ngân hàng Mizuho

09:00 | 03/05/2017
Chia sẻ
Vấn đề về giá cổ phiếu đang trở ngại cho kế hoạch tăng vốn của Vietcombank, khiến thương vụ GIC đầu tư vào Vietcombank đến nay vẫn còn dang dở.

Còn nhớ thời gian ròng rã bốn năm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (Mã: VCB) mới có thể tìm được đối tác ngoại đầu tiên là Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản.

Đến nay khi có đối tác ngoại thứ hai là Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) đặt bút ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ thành cổ đông chiến lược của Vietcombank, thương vụ sau gần một năm vẫn chưa được ngã mũ.

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho
Mức giá bao nhiêu cho cổ phiếu VCB (Ảnh minh hoạ)

Mức giá của GIC "ưu ái" hơn Mizuho?

Tháng 8/2016, GIC và Vietcombank đã ký kết một bản thỏa thuận ghi nhớ, theo đó GIC sẽ mua 7,73% vốn của VCB, tương đương 305,8 triệu cổ phiếu phát hành mới. Thoả thuận đã được lập trước khi hoàn tất việc chia cổ tức bằng tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu thưởng 35% theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2016. Tuy nhiên, đến nay thương vụ vẫn chưa thể thực hiện.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết theo định hướng của Chính phủ, việc thoái vốn của các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước phải thoả mãn một số điều kiện nhất định. Một trong số đó là mức giá thực hiện phải lớn hơn giá trị định giá và giá cổ phiếu trên sàn giao dịch ngày hôm trước khi thực hiện mua bán.

Thời điểm đó, Bloomberg đưa tin, giá trị thương vụ này dự kiến dưới 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.000 tỷ đồng. Ước tính sơ bộ giá mua của GIC vào khoảng 29.000 đồng/cp; khi đó, thị giá cổ phiếu VCB xoay quanh mức 55.000 đồng/cp (xin nhắc lại là thời điểm này Vietcombank chưa chia cổ tức bằng tiền và phát hành cổ phiếu thưởng).

Hồi tháng 1 gần đây, chia sẻ với Bizlive, ông Thành cũng đã nhắc đến mức giá GIC đưa ra: "Mức giá họ trả trước khi pha loãng là 36.000 đồng/cổ phiếu và giá sau khi pha loãng là 28.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá thị trường".

Đến nay, dù đã chia cổ tức bằng tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu thưởng 35%, thị giá cổ phiếu VCB vẫn trên mức 34.000 đồng/cp, tức cao hơn gần 20% giá chào mua của GIC.

Như vậy, nguyên cớ "lương duyên chưa thành" là do mức GIC đưa ra tuy cao hơn giá trị định giá nhưng lại thấp hơn thị giá cổ phiếu VCB trên sàn chứng khoán.

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho
Biến động giá cổ phiếu VCB trong 1 năm gần đây. (Nguồn: VietstockFinance). Trong một năm vừa qua, cổ phiếu VCB đã có xu hướng tăng giá khá tốt. Trong phiên giao dịch ngày 29/8/2016, thời điểm mà GIC ký kết biên bản thỏa thuận đầu tư vào Vietcombank, cổ phiếu VCB có lúc tăng vọt lên 60.500 đồng - mức giá cao nhất trong một năm gần đây. Đóng cửa phiên giao dịch 29/8 này, cổ phiếu VCB ở mức 57.500 đồng/cp. Nếu theo thị giá này, số tiền mà GIC cần có để mua gần 360 triệu cổ phiếu VCB là 20.700 tỷ đồng (gần 930 triệu USD).

Nếu so sánh với thương vụ đầu tư của Mizuho vào năm 2011 thì mức giá mà GIC đưa ra quá "ưu ái" so với thị giá của cổ phiếu Vietcombank.

Nhìn lại thời điểm năm 2011, Mizuho chi đến 567,3 triệu USD, tương đương 11.800 tỷ đồng để mua 15% cổ phần Vietcombank. Đây được xem là thương vụ mua bán - sáp nhập lớn nhất của Việt Nam thời điểm bấy giờ. Để đạt được sự đồng thuận của Chính phủ Việt Nam, Mizuho phải mua cổ phần Vietcombank với giá 34.000 đồng/cp, cao hơn thị giá đến 25%.

Bên cạnh đó, Mizuho còn bị kèm điều khoản hạn chế chuyển nhượng cổ phần Vietcombank trong 5 năm. Thế nhưng, khoản đầu tư này không cho "trái ngọt" ngay lập tức.

Sau khi thương vụ thực hiện thành công, cổ phiếu VCB sụt giảm mạnh theo thị trường chứng khoán. Mãi đến năm 2015, cổ phiếu này mới có thể phục hồi lại mức giá mà Mizuho đã mua vào.

Tính đến thời điểm hiện tại, ước tính giá trị khoản đầu tư của Mizuho đạt 18.942 tỷ đồng, tăng đến 60%. Như vậy, tính bình quân mỗi năm Mizuho đạt suất sinh lời xấp xỉ 11%/năm.

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho
Chỉ số PB của cổ phiếu VCB qua các năm (Nguồn: KISV)

Trong một báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), tính đến cuối năm 2016 cổ phiếu VCB giao dịch với mức giá gấp 2,7 lần giá trị sổ sách.

Với kết quả dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2017 ở mức 39%, vốn chủ sở hữu ở mức 12% thì giá trị sổ sách cổ phiếu Vietcombank dự kiến là 15.290 đồng/cp. Theo đó, KIS dự phóng thị giá cổ phiếu VCB trên thị trường có thể đạt khoảng 39.000 đồng/cp.

Kết phiên ngày 2/5 vừa qua, thị giá VCB ở mức 35.100 đồng/cp, cao hơn 20% mức chào mua của GIC. Liệu rằng GIC có "chịu chơi" để nâng giá mua cao hơn thị giá như Mizuho đã từng làm trước đây, hay Chính phủ Việt Nam sẽ "nhượng bộ" để có thể hoàn tất thương vụ như biên bản ghi nhớ giữa Vietcombank và GIC.

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho ĐHĐCĐ Vietcombank: Có thể lãi trên 700 tỷ đồng từ thoái vốn Eximbank

Năm 2017, Vietcombank lên kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 3.600 tỷ đồng bằng phát hành cổ phần ra công chúng, chào bán riêng lẻ ...

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho KIS: Vietcombank có thể đạt lợi nhuận hơn 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 40%

Tuy nhiên một trong những khó khăn trong năm nay Vietcombank phải đối mặt là thương vụ phát hành riêng lẻ cho GIC – Singapore ...

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho Quỹ đầu tư Singapore GIC chi gần 1.400 tỷ, nắm 5,21% Vietjet Air

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo cùng công ty do bà sở hữu 100% vốn đang là cổ đông lớn nhất, nắm 33% vốn ...

thuong vu vietcombank gic nhin tu ngan hang mizuho Hoãn thương vụ quỹ GIC mua cổ phần Vietcombank

Chính phủ đã hoãn lại việc chấp thuận đề nghị của quỹ GIC mua cổ phiếu VCB với giá thấp hơn giá thị trường.

Diệp Bình