|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thương vụ UBS-Credit Suisse: UBS tránh sử dụng khoản bảo lãnh gần 10 tỷ USD của chính phủ Thụy Sỹ

20:42 | 03/07/2023
Chia sẻ
Theo tờ Financial Times, ngân hàng UBS đang cố gắng tránh sử dụng khoản bảo lãnh tài chính gần 10 tỷ USD mà chính phủ Thụy Sỹ dành cho thương vụ mua lại ngân hàng Credit Suisse, trong bối cảnh ngày càng có nhiều phản ứng và lời chỉ trích từ giới truyền thông, cũng như công chúng trong nước.

Các giám đốc điều hành của UBS kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan của ngân hàng trong quý II/2023 sẽ đem lại nguồn tài chính đủ mạnh để UBS có thể thâu tóm Credit Suisse, mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ chính phủ hay các tổ chức tài chính khác.

Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti cho biết ban lãnh đạo ngân hàng sẽ nỗ lực để nguồn ngân sách quốc gia không phải gánh chịu chi phí của việc tiếp quản Credit Suisse.

Vào tháng 6/2023, UBS đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Thụy Sỹ. Theo đó, chính phủ Thụy Sỹ sẽ cấp cho UBS khoản bảo lãnh trị giá 9 tỷ franc (9,98 tỷ USD) để bù đắp cho các chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản của Credit Suisse và hoàn tất việc tiếp quản. Khoản bảo lãnh sẽ chỉ có hiệu lực nếu tổn thất từ việc thanh lý các tài sản này ở trong khoảng từ 5-9 tỷ franc.

Các nhà lãnh đạo Thụy Sỹ tuyên bố ưu tiên của chính phủ và UBS là "giảm thiểu tổn thất và rủi ro tiềm ẩn, để tránh phải nhờ đến bảo lãnh liên bang ở mức độ lớn nhất có thể". Việc định giá các khoản lỗ dự kiến của Credit Suisse sẽ được thực hiện trong quý III/2023.

Ngân hàng Credit Suisse 167 năm tuổi đã liên tục “trượt dốc” trong những năm gần đây. Năm 2022, ngân hàng này ghi nhận khoản lỗ tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đối diện nguy cơ phá sản. Vào ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS thông báo sẽ chi 3 tỷ franc Thuỵ Sỹ (tương đương 3,23 tỷ USD) để mua lại Credit Suisse, đồng thời chấp nhận gánh chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD, trong một thoả thuận được hỗ trợ bởi khoản bảo lãnh lớn từ chính phủ Thuỵ Sỹ và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2023.

Đây là thỏa thuận ngân hàng lớn nhất trong nhiều năm qua, được các nhà quản lý Thụy Sỹ thúc đẩy với mong muốn ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng về niềm tin vào hệ thống ngân hàng toàn cầu. Thỏa thuận trên cũng là vụ siêu sáp nhập đầu tiên của các ngân hàng toàn cầu quan trọng về mặt hệ thống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Diệu Linh