|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thương vụ thâu tóm Vinaconex và dấu hỏi 'cá bé nuốt cá lớn'

17:08 | 27/11/2018
Chia sẻ
Việc một doanh nghiệp "cá bé" nuốt trọn doanh nghiệp "cá lớn" qua những thương vụ đấu giá không còn là điều quá lạ lẫm, năm ngoái chứng kiến doanh nghiệp vài tháng tuổi Vietnam Beverage thâu tóm ông lớn ngành bia Sabeco; năm nay An Quý Hưng cũng bất ngờ trả giá "khủng" để có thể nắm quyền tại Vinaconex. 

Hai đợt đấu giá cổ phần Vinaconex, hai kết quả khác nhau một trời một vực

Trái hẳn với tình cảnh ế ẩm cách đây gần một năm khi bán vốn tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), phiên đấu giá hôm 22/11 vừa qua chứng kiến thành công “kép” khi cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đều bán được trọn lô, đem về kết quả thậm chí vượt xa kỳ vọng.

SCIC đưa gần 255 triệu cổ phiếu (tương đương 57,71% vốn điều lệ) ra đấu giá, là đơn vị thực hiện trước và thu hút sự chú ý từ phía công chúng, nhà đầu tư nào trúng lô này có thể nắm quyền chi phối doanh nghiệp thay thế vai trò của SCIC thời điểm hiện tại.

Ba cái tên bước vào cuộc đấu giá đều không mấy tên tuổi; thậm chí một cá nhân không ai tin nổi là có thể chi vài nghìn tỉ cho cuộc đấu giá cũng đã nộp cọc hơn 500 tỉ đồng để bước vào vòng đấu cuối cùng. Danh sách ứng cử viên đã hứa hẹn nhiều bất ngờ.

Kết quả, Công ty TNHH An Quý Hưng bỏ ra 28.900 đồng cho một cổ phần, tương đương 7.366 tỉ đồng ôm trọn lô đấu giá của SCIC; mức giá này cao hơn 35,6% giá khởi điểm và hơn 50% thị giá cổ phiếu Vinaconex giao dịch trên sàn chứng khoán ngày đấu giá. SCIC qua đó thu về nhiều hơn kỳ vọng ban đầu 1.938 tỉ đồng.

Mức giá mà An Quý Hưng chi ra, cũng bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua, lần lượt 22.300 đồng/cp và 21.300 đồng/cp; riêng yếu tố đặt giá đấu đã thể hiện quyết tâm và tham vọng cao của doanh nghiệp này với Vinaconex.

thuong vu thau tom vinaconex va dau hoi ca be nuot ca lon
Đại điện An Quý Hưng (ngồi giữa) chuẩn bị thủ tục cho phiên đấu giá cổ phần Vinaconex (Ảnh: BM)

Trở lại đầu tháng 12/2017, SCIC đấu giá 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, nhưng chỉ bán được 5,35 triệu đơn vị (tương đương 5,5% trên tổng số). Cùng một doanh nghiệp, hai lần đấu giá, và kết quả hoàn toàn đối lập nhau; một thành công đến bất ngờ và một ế ẩm…

Thậm chí còn đối lập đến mức, phiên đấu giá một năm trước trong hoàn cảnh thị trường đang lên, VN-Index chuẩn bị cho cú bứt phá lên đỉnh 1.200 điểm; còn hiện tại chứng khoán Việt Nam lại đã ở bên kia sườn đồi, thanh khoản đã èo ọt hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, khác biệt nằm ở phương thức đấu giá mà SCIC đã chọn. Một năm trước, SCIC đưa ra mức đấu giá 21,8% nhằm thăm dò khả năng hấp thụ của thị trường, nhà đầu tư đặt mua khối lượng và mức giá mình mong muốn. Nhưng năm nay, SCIC thay đổi thành bán 57,7% vốn điều lệ (tỷ lệ nắm quyền chi phối doanh nghiệp) và là bán trọn lô. Điều này khiến cho nhà đầu tư nào thực sự quan tâm, muốn sở hữu doanh nghiệp và trả giá đủ cao sẽ không phải lo lắng về việc cổ phần bị chia lẻ. Tỷ lệ nắm giữ cao hơn chính là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.

Theo chia sẻ từ đại diện SCIC, phiên đấu giá Vinaconex thành công bởi có thể đem về số tiền lớn cho Nhà nước. Về mặt giá trị điều này đúng; tuy nhiên nếu nhìn vào doanh nghiệp trúng đấu giá An Quý Hưng, doanh nghiệp này của ai, quy mô như thế nào thì nhiều người sẽ phải cảm thấy băn khoăn.

"Con cá" An Quý Hưng bé thế nào so với Vinaconex?

An Quý Hưng thành lập năm 2001 trụ sở tại Chương Mỹ, vốn điều lệ hiện tại 360 tỉ đồng; đây là đơn vị chuyên thi công nhà xưởng cho các doanh nghiệp khác. Cơ cấu cổ đông cho thấy, ông Nguyễn Xuân Đông sở hữu 70% vốn, vợ ông Đông là bà Đỗ Thị Thanh sở hữu 30%. Tại phiên đấu giá ngày 22/11, chính ông Đông là người đại diện cho An Quý Hưng tham gia đấu giá lô cổ phần Vinaconex do SCIC sở hữu.

Năm 2017, An Quý Hưng của ông đạt doanh thu thuần 956 tỉ đồng; lãi sau thuế trên 62 tỉ đồng, đây chính là kết quả tốt nhất mà công ty này từng đạt được. Tổng giá trị tài sản tính đến hết năm 2017 của công ty này xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.

Cá nhân ông Đông hiện đang là thành viên HĐQT độc lập CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Đáng chú ý, ông Đông từng có ba năm (từ 2014 – 2017) ngồi ghế HĐQT tại CTCP Vimeco (công ty con của Vinaconex). Những thông tin về người chủ sở hữu Nguyễn Xuân Đông có thể giúp làm tăng xếp hạng tín nhiệm cho cái tên An Quý Hưng, nhưng so về quy mô, đây vẫn là một thương vụ “cá bé nuốt cá lớn”.

thuong vu thau tom vinaconex va dau hoi ca be nuot ca lon
Tương quan giữa Vinaconex và An Quý Hưng, số liệu năm 2017. Nguồn: Bạch Mộc tổng hợp, Alex đồ họa.

Tính đến hết năm 2017, vốn điều lệ của Vinaconex gấp 12 lần An Quý Hưng, tài sản gấp gần 22 lần, doanh thu thuần gấp 11 lần, lợi nhuận sau thuế gấp tới 26 lần và nếu so về lao động cũng gấp tới 10 lần.

Việc chênh lệch về quy mô lớn đến vậy khiến thị trường đặt ra một vài câu hỏi: thứ nhất về nguồn tiền, An Quý Hưng có đủ năng lực để huy động gần 7.370 tỉ đồng cho cuộc đấu giá, hay doanh nghiệp này đang sử dụng tài trợ từ bên khác?

Giống như thương vụ Vietnam Beverage thâu tóm Sabeco mà kẻ đứng sau là BeerCo rồi ThaiBev, việc một doanh nghiệp tí hon được tài trợ để thâu tóm một “gã khổng lồ” không phải là chuyện lạ. Nhưng ở thương vụ An Quý Hưng nếu có, người đứng sau cùng là ai đến thời điểm hiện tại vẫn chưa lộ diện.

Thứ hai, sau thâu tóm, ông chủ mới sẽ tiếp quản gần 20.000 cán bộ, công nhân viên Vinaconex, khối tài sản gồm đất đai, các dự án và đặc biệt là thương hiệu Vinaconex với lịch sử 30 năm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gắn liền với các dự án quan trọng của Thủ đô như Đại lộ Thăng Long, hệ thống nước sạch song Đà – Hà Nội, khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora), nhà ga T2 Nội Bài, trung tâm hội nghị quốc gia, bảo tàng Hà Nội, sân vận động quốc gia Mỹ Đình…

Nếu không phải là một ông/bà chủ đủ tầm, sẽ khó lòng có thể phát huy tốt những giá trị mà Vinaconex đang có.

thuong vu thau tom vinaconex va dau hoi ca be nuot ca lon
Vinaconex nhận huân chương lao động hạng ba

Trao đổi bên lề cuộc đấu giá, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex, tỏ ra tự tin về việc ông chủ mới có thể phát huy những giá trị hiện có của công ty: “Không ai bỏ ra số tiền lớn như vậy mà không có kế hoạch, họ biết tự lượng sức mình”.

Ông Quỳnh cho biết ,nếu như được ông chủ mới tin tưởng, ông sẽ tiếp tục làm việc, cống hiến. Tuy nhiên theo ông, có vấn đề khó liên quan đến việc chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân, tâm tư tình cảm của cán bộ, công nhân viên cũng không được như xưa, nhưng vẫn sẽ làm hết bổn phận trách nhiệm của mình.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bạch Mộc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.