Thương vụ M&A kỷ lục của Google đổ bể
Theo CNBC, startup bảo mật đám mây Wiz vừa bác bỏ đề nghị mua lại trị giá 23 tỷ USD từ gã khổng lồ tìm kiếm Google. Đây được xem là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Google.
Trong thông báo nội bộ mới nhất, nhà đồng sáng lập Wiz Assaf Rappaport cho biết: "Từ chối những đề nghị hấp dẫn như vậy quả là khó khăn".
Theo nguồn tin thân cận, lý do Wiz rút lui khỏi thỏa thuận là do lo ngại về chống độc quyền và phản ứng từ các nhà đầu tư. Rappaport khẳng định công ty sẽ tập trung vào mục tiêu ban đầu: phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và đạt doanh thu định kỳ hàng năm 1 tỷ USD.
Những kế hoạch này đã được Wiz đặt ra từ trước khi có tin đồn về thương vụ với Google. Nếu thành công, thương vụ này sẽ nâng định giá của Wiz lên gần gấp đôi so với mức 12 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất.
Thành lập năm 2020, Wiz đã phát triển nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của Rappaport. Công ty đạt doanh thu định kỳ hàng năm 100 triệu USD chỉ sau 18 tháng, và tăng lên 350 triệu USD vào năm ngoái. Các sản phẩm bảo mật đám mây của Wiz bao gồm phòng ngừa, phát hiện chủ động và phản ứng. Danh mục này đã thu hút nhiều công ty lớn và có thể giúp Google cạnh tranh với Microsoft trong lĩnh vực phần mềm bảo mật.
Mảng điện toán đám mây của Alphabet đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Microsoft và Amazon. Bộ phận này mới đạt lợi nhuận vào năm 2023 sau nhiều năm đầu tư mạnh mẽ. Mặc dù Google Cloud tăng trưởng ổn định những năm gần đây, song đơn vị do CEO Thomas Kurian đứng đầu đang chịu áp lực phải tiếp tục mở rộng để nắm bắt cơ hội kinh doanh trong làn sóng AI. Google chưa phản hồi ngay lập tức về yêu cầu bình luận.
Các thương vụ thoái vốn trong lĩnh vực công nghệ khá hiếm hoi năm nay, do các startup chờ đợi thị trường thuận lợi hơn để IPO và môi trường pháp lý khó khăn đối với các thương vụ mua bán sáp nhập. Việc thỏa thuận đổ bể sẽ là một thất vọng đối với Index Ventures, Insight Partners, Lightspeed Venture Partners, Sequoia và các nhà đầu tư mạo hiểm khác, những người đã huy động được các quỹ trị giá hàng tỷ USD trong những năm gần đây.
Brendan Burke, chuyên gia phân tích cấp cao tại PitchBook cho biết, các quỹ có quy mô hàng tỷ USD cần các thương vụ thoái vốn trên 10 tỷ USD để tạo ra lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư, và những sự kiện như trường hợp của Wiz là rất hiếm.
Các nhà sáng lập Wiz trước đây đã xây dựng startup bảo mật Adallom, huy động vốn từ Sequoia và Index, và bán lại cho Microsoft với giá 320 triệu USD vào năm 2015. Cựu lãnh đạo Sequoia Doug Leone từng nói rằng đầu tư vào Wiz từ những ngày đầu là "điều hiển nhiên". Ngay sau khi Wiz ra mắt, đại dịch Covid bùng phát. Các công ty đổ xô áp dụng phần mềm và cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa. Sự thay đổi này có lợi cho Wiz, công ty có thể phát hiện các vấn đề bảo mật cho các ứng dụng và dữ liệu trên các đám mây công cộng của Amazon, Google, Microsoft và Oracle.
Chưa đầy một năm sau khi thành lập, Wiz đã công bố vòng gọi vốn 100 triệu USD. Sid Trivedi, nhà đầu tư tại Foundation Capital, nhận xét: "Wiz đã huy động được tiền từ lúc bắt đầu, đó là điểm độc đáo".
Google đã mua lại công ty an ninh mạng Mandiant với giá 5,4 tỷ USD vào năm 2022. Thương vụ lớn nhất của Google vẫn là việc mua lại nhà sản xuất phần cứng Motorola vào năm 2012 với giá 12,5 tỷ USD. Công ty sau đó đã bán lại tài sản từ thương vụ này cho Lenovo với giá 2,9 tỷ USD vào năm 2014. Gần đây, Google đã chấm dứt đàm phán mua lại HubSpot, công ty phần mềm quản lý bán hàng.