|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương lái đã 'chịu' đeo vòng cho heo

21:00 | 26/10/2017
Chia sẻ
Sau 9 ngày thực hiện triển khai chỉ đạo của UBND TPHCM kiên quyết không cho heo nhập vào hai chợ đầu mối tại TPHCM nếu không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, tỷ lệ heo đeo vòng có đầy đủ thông tin đã được nâng lên.
thuong lai da chiu deo vong cho heo
Kiểm tra thịt heo trước khi cho phép vào chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Vũ Yến

Thương lái đã hợp tác

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn), cho biết theo thống kê thủ công trực tiếp của Đội an toàn thực phẩm, thuộc Ban an toàn thực phẩm thành phố và Ban quản lý chợ, trong 3-4 ngày trở lại đây, tỷ lệ heo vào chợ có đầy đủ thông tin truy xuất đạt 99-100%.

Cũng theo ông Tiển, khi vào cổng chợ, heo đã có đầy đủ 5 thông tin truy xuất gồm thông tin từ cơ sở chăn nuôi; thông tin do cán bộ thú y kích hoạt cho phép heo ra khỏi cơ sở chăn nuôi (85% là do thú y các tỉnh thực hiện); thông tin do cán bộ thú y tại cơ sở giết mổ cho phép con heo vào; chủ cơ sở giết mổ kích hoạt để xác nhận cơ sở mình đã mổ heo; và thông tin do cán bộ thú y tại cơ sở giết mổ kiểm tra lần cuối trước khi cho phép heo ra khỏi cơ sở giết mổ. Sau đó, đội an toàn thực phẩm tại chợ sẽ kiểm tra, kích hoạt thêm thông tin xác nhận trên vòng niêm phong màu trắng (vòng gắn trên mỗi xe chở heo). Như vậy, mỗi con heo khi vào chợ sẽ có 6 thông tin trên vòng nhận diện.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày có 5.000-5.700 con heo nhập chợ đầu mối Hóc Môn. Trong đó, lượng heo được mổ từ các cơ sở ở Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương là 3.100-3.2000 con và từ các cơ sở giết mổ của TPHCM (Củ Chi, Bình Tân…) là 1.900 con.

“Công ty đã tuyên truyền, vận động và có những biện pháp khi mềm dẻo, khi cứng rắn để thuyết phục thương lái hợp tác. Hiện tại số thương lái có gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho heo nhưng chưa đầy đủ thông tin chỉ còn khoảng 1%. Họ cho biết sở dĩ chưa đầy đủ thông tin là do thú y của tỉnh chưa tham gia”, ông Tiển nói.

Theo một đại diện của Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (quận 8), 5 ngày sau thời hạn thương lái xin phép để hoàn chỉnh quá trình gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho heo, tỷ lệ heo đeo vòng nhận diện và có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập chợ đã tăng lên từng ngày.

Cụ thể, tỷ lệ heo đeo vòng nhận diện và có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập chợ trong 5 ngày, từ 21 tới 26-10 lần lượt là 36%, 47,7%, 74,4%, 94,7%, 93,6% và 99,7%. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 con heo nhập chợ này.

Cũng theo vị đại diện này, trong những ngày vừa qua, đa số cơ sở giết mổ, thương lái đã chấp hành khá tốt quy định của đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Ban quản lý chợ cũng từng bước siết mạnh hơn đối với nguồn heo vào chợ. Cụ thể, nếu trong các ngày từ 21 tới 25-10 heo vào chợ nếu không có đầy đủ thông tin truy xuất phải chờ từ 30 phút đến 2 tiếng mới được nhập chợ, ưu tiên cho heo có đầy đủ thông tin truy xuất thì tới đêm 25, rạng sáng ngày 26-10 heo không đầy đủ thông tin truy xuất không được vào.

“Heo càng vào chợ sớm thì càng bán được giá. Cứ sau mỗi tiếng, giá heo sẽ rớt ít nhất 1.000-2.000 đồng/kg. Biện pháp trên của ban quản lý chợ, gây áp lực, đánh trực tiếp vào kinh tế nên thương lái buộc phải hợp tác. Biện pháp mạnh nhất là 14 trong tổng số 3.302 con heo không đầy đủ thông tin truy xuất đã không được vào chợ Bình Điền trong đêm qua, 26-10”, vị đại diện này nói thêm.

Tuy thế, theo đại diện của phía Bình Điền, mặc dù thực hiện nhưng thương lái kinh doanh heo vào chợ Bình Điền vẫn không hoàn toàn “tâm phục khẩu phục”. Sở dĩ vậy, bởi họ cho rằng, cần phải thực hiện, triển khai việc truy xuất nguồn gốc từ gốc (tức từ khi heo được sinh ra, nuôi lớn…) chứ không phải từ ngọn như hiện nay.

Đồng thời, theo vị đại diện trên, hiện vẫn còn tình trạng thương lái lấy vòng nhận diện kích hoạt thông tin ở các trang trại thuộc miền Đông Nam bộ gắn cho heo mua ở các trang trại nhỏ lẻ ở Tây Nam bộ, ở Long An.

Trước đó, đêm 15, rạng sáng ngày 16-10, trong tổng số 2.915 con heo vào chợ đầu mối Bình Điền không có con heo nào có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc; tại chợ đầu mối Hóc Môn trong tổng số hơn 5.000 con heo về chợ, tỷ lệ heo có đầy đủ thông tin chiếm 22%.

TPHCM nhờ các tỉnh hỗ trợ giết mổ heo

Nhằm đẩy mạnh hơn việc thực hiện đề án, ngày 24-10 vừa qua Sở Công Thương TPHCM đã gửi công văn yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường thành phố và ban quản lý của hai chợ đầu mối cung cấp danh sách thương nhân, thương lái thu mua, kinh doanh thịt heo cố tình vi phạm để sở phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Thậm chí, trước đó vài ngày, UBND TPHCM đã có công văn khẩn về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi, kinh doanh heo và thịt heo. Trong chỉ đạo lần này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu ban đề án kiên trì triển khai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia hiểu và tự giác thực hiện đề án. Đối với những trường hợp ngoan cố, không chấp hành, cần áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả thực hiện khởi tố các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Song song với việc siết chặt nguồn heo vào hai chợ đầu mối, ngày 23-10 UBND TPHCM đã có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Tây Ninh về việc hỗ trợ tiếp nhận giết mổ heo cung cấp cho thị trường TPHCM.

Theo đó, UBND TPHCM đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo rà soát các cơ sở giết mổ trên địa bàn còn khả năng tiếp nhận và đảm bảo các điều kiện về kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm để hỗ trợ tiếp nhận giết mổ cho các thương nhân tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.

Động thái trên của UBND TPHCM nhằm bình ổn thị trường thịt heo, kiểm soát an toàn thực phẩm và đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi trong thời gian cơ sở Xuyên Á tạm ngưng hoạt động.

Sở dĩ vậy, bởi cơ sở Xuyên Á có công suất giết mổ bình quân 5.000 con/ngày đêm. Sau khi cơ sở này đóng cửa UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo tăng công suất giết mổ tại các cơ sở hiện có, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng một phần lượng thiếu hụt. Công suất giết mổ hiện đạt khoảng 5.100 con/ngày đêm, so với giai đoạn trước giảm khoảng 3.700 con/ngày đêm.

Giá heo hơi trên thị trường hiện đang giảm. Qua trao đổi, ông Phạm Văn Bộ, chủ trang trại chăn nuôi tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết giá heo hơi trang trại ông bán dao động khoảng 26.000-28.000 đồng/kg. Như vậy, với một con heo 100kg người chăn nuôi lỗ khoảng 600.000 đồng.

Theo ông Bộ, nguyên nhân khiến giá heo hơi giảm là do sau thông tin gần 4.000 con heo tại cơ sở Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần, người tiêu dùng cảnh giác hơn với thịt heo, khiến lượng tiêu thụ giảm. Thêm vào đó, chi phí giết mổ tăng do phải đưa heo về tỉnh giết mổ khiến thương lái hạ giá mua heo hơi.

Vũ Yến