|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thước đo không chính thức: Kinh tế Trung Quốc đang lao dốc

07:43 | 29/05/2019
Chia sẻ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc luôn rất khó xác định, nhưng việc nhu cầu diesel giảm sút có thể là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang trong tình cảnh khó khăn hơn nhiều so với bức tranh số liệu chính thức.
Thước đo không chính thức: Kinh tế Trung Quốc đang lao dốc - Ảnh 1.

Một nhân viên bán xăng dầu tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Theo số liệu của ngân hàng Wells Fargo, nhu cầu dầu diesel ở Trung Quốc giảm lần lượt 14% và 19% trong tháng 3 và tháng 4, xuống mức thấp nhất trong một thập kỉ qua. Nhu cầu diesel hàng tháng cũng đã sụt giảm mạnh kể từ tháng 12/2017.

Chuyên gia phân tích Roger Read của Wells Fargo nhận định: "Chúng tôi cho rằng việc nhu cầu diesel sụt giảm ngày càng nhanh có nguyên nhân liên quan tới các yếu tố kinh tế và cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Nhu cầu diesel là một nhân tố mà chúng tôi thấy cần hết sức để tâm theo dõi".

Thước đo không chính thức: Kinh tế Trung Quốc đang lao dốc - Ảnh 2.

Nhu cầu diesel tại Trung Quốc từ năm 2016 đến nay. Nguồn: Wells Fargo, Bloomberg.

Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc cho biết nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,4% trong quí I/2019. Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng như chuyên gia kinh tế trên thế giới từ lâu đã tỏ ra nghi ngờ các số liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc, cho rằng những con số này đã được "làm đẹp".

Chính sự nghi ngờ này đã khiến nhiều nhà phân tích sử dụng các thước đo khác để đo lường tăng trưởng của Trung Quốc, trong đó có số liệu nhu cầu diesel và tiêu thụ điện.

Diesel được sử dụng để chạy xe tải chuyên chở hàng hóa. Nhu cầu diesel giảm có thể là một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đi xuống vì xe tải đang chở ít hàng hơn, đồng nghĩa với việc tiêu dùng giảm sút.

Nhu cầu diesel tại Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh nước này đang tham gia cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cả hai nước đã đánh thuế lên hàng chục, hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau. Đầu tháng 5 này, cả hai nước lại mới nâng thuế đối với một loạt các mặt hàng nhập khẩu từ nước kia, khiến các thị trường thế giới một phen náo loạn.

Chẳng hạn, giá dầu thô tuần trước có tuần giảm mạnh nhất năm 2019; và đã giảm hơn 7% trong tháng này. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% trong tháng 5 trong khi chỉ số Shanghai Composite mất 5,5%.

Cả hai bên đều không thể hiện dấu hiệu nhượng bộ. Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để thỏa thuận với Trung Quốc. Ở phía bên kia chiến tuyến, báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết nước này cũng sẽ không thay đổi nền kinh tế của mình theo yêu cầu của Mỹ.

Theo phân tích của bà Anna Ho - chuyên gia phân tích ngân hàng UBS, căng thẳng giữa hai nước có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,3 – 0,4%. Theo bà, "Các nền kinh tế mở như Singapore, Hàn Quốc và Malaysia rất nhạy cảm với thương mại toàn cầu và khó có khả năng hồi phục trong nửa sau năm 2019".

Một dấu hiệu khác cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai nước và có thể là cả sự suy giảm kinh tế là năm 2018, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ suy giảm lần đầu tiên trong 15 năm qua.

Song Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.