|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thuế thu nhập cá nhân rối tinh vì lắm bậc

19:12 | 18/03/2017
Chia sẻ
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang được tính quá vụn vặt, thang mức thuế quá dày, mức thu nhập phải chịu thuế cao nhất lại chưa hẳn cao. Điều này khiến người nộp thuế, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.
thue thu nhap ca nhan roi tinh vi lam bac
Người dân nộp thuế tại bộ phận “một cửa” của Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Phức tạp lắm!

Bắt đầu câu chuyện với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên kế toán một công ty xây dựng tại Hà Nội than thở: “Mảng thuế TNCN thì phức tạp lắm”. Chị Oanh lấy ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng, người lao động rất hay nhảy việc, nhiều người vừa ký hợp đồng 3 tháng với công ty A, làm hơn 1 tháng họ lại nhảy sang công ty B.

Khi công ty B ký hợp đồng và kê khai thuế mới phát hiện người lao động đó vẫn còn hợp đồng ở công ty A. Khi đó, thu nhập của người lao động sẽ được tính cộng dồn cả 2 hợp đồng và thường công ty B sẽ phải đứng ra kê khai và nộp thuế TNCN cho họ (gánh cả phần thuế TNCN cho phần thu nhập danh nghĩa ở công ty A). Như vậy, vô tình phần thuế của người lao động bị đẩy lên, nếu DN trừ lương người lao động họ lập tức bỏ việc đi chỗ khác.

Để tránh những rắc rối, không ít DN xây dựng chọn cách chỉ thuê một đội trưởng, người này tự đi tìm đội thợ, lương trả cho thợ công ty sẽ tìm cách khác để hợp thức hóa khoản chi. “Cách làm này cũng không dễ, nhưng DN tránh được những rủi ro về chấp hành thuế”, chị Oanh nói.

Ngoài ra, theo các DN, thu nhập chịu thuế của lao động ngắn hạn hiện nay tính ở mức quá thấp (trên 2 triệu đồng sẽ phải nộp thuế), trong đó tính cả các khoản phụ cấp, như tiền ăn trưa, đi lại, điện thoại, nhà trọ… Một số khoản phụ cấp được khấu trừ, nhưng đạt điều kiện được khấu trừ không dễ. Như để được khấu trừ phụ cấp nhà trọ, DN phải trình được hóa đơn chủ nhà trọ đã nộp thuế cho thuê nhà. Nhưng cả nước không được mấy nhà trọ nộp thuế.

Anh Đào Văn Lâm (ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) kể, anh ủy quyền cho công ty thực hiện quyết toán thuế TNCN. Bất ngờ, tháng 9/2016, anh Lâm nhận được thông báo của Cục Thuế Hà Nội vì nộp thuế TNCN năm 2015 chưa đủ, phải nộp bổ sung gần 20 triệu đồng và chịu phạt chậm nộp. “Tìm hiểu, mới biết trước đó cán bộ kế toán công ty không biết từ năm 2015 tính thuế TNCN lũy tiến theo bậc thang, không còn một mức 10% như trước đây”, anh Lâm nói.

Nhiều thang bậc để công bằng?

Theo Bộ Tài chính, năm 2016, thuế TNCN đóng góp trên 57.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (vượt qua đóng góp của ngành dầu khí). Năm 2017, dự toán thu thuế TNCN trên 80.000 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, thu thuế TNCN đạt 15.932 tỷ đồng.

Hiện biểu thuế TNCN được tính lũy tiến và chia làm 7 bậc - thấp nhất 5% và cao nhất lên tới 35%, áp theo mức thu nhập chịu thuế từ dưới 5 đồng/tháng tới trên 80 triệu đồng/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, cách chia này quá dày, mức thu cao. Đặc biệt, khung thuế TNCN tối đa đang áp ở mức thu nhập quá thấp (từ trên 80 triệu đồng/tháng phải chịu thuế TNCN 35%).

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng, hiện các mức thuế TNCN quá nhiều bậc và dày. Bà Cúc lưu ý: Số bậc thuế có thể không cần bớt nhưng cần tăng khoảng cách thu nhập giữa các mức thuế. Như mức thuế TNCN 5% thay vì áp dụng cho người có thu nhập chịu thuế dưới 5 triệu đồng, có thể nâng lên 10 hoặc 15 triệu đồng/tháng... “Việc nới rộng như vậy tuy giảm số tiền thuế thu được của từng người, nhưng sẽ khuyến khích nhiều người hơn tham gia đóng thuế để bù vào, thay vì phải lách thuế. Như thế, người có thu nhập ở mức vừa phải có thêm tích lũy”, bà Cúc nói.

Lý giải về sự dày bậc này, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Vụ trưởng Quản lý Thuế TNCN (Tổng cục Thuế) lại cho rằng: Việc chia mức thuế TNCN thành nhiều bậc, các bậc gần nhau nhằm đảm bảo người nộp thuế bình đẳng hơn. “Chia nhiều bậc đảm bảo công bằng hơn, nhưng phức tạp, chúng tôi đang nghiên cứu để có giải pháp tạo thuận tiện nhất cho người nộp thuế”, ông Minh nói.

Liên quan tới các quy định tính thuế TNCN với lao động ký hợp đồng ngắn hạn (đặc biệt lao động dưới 3 tháng), ông Minh cho rằng, quy định này còn liên quan tới tính thuế thu nhập DN. “Chi phí thuê lao động được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế với DN, nên nếu doanh nghiệp thuê ai phải có danh sách cụ thể, có kê khai thuế TNCN mới được trừ. Còn ngành thuế cho phép người lao động có mã số thuế cá nhân được tự cam kết mức lương chưa tới mức phải chịu thuế (dưới 9 triệu đồng/tháng – PV) để được miễn thuế”, ông Minh nói.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, hằng năm tới kỳ quyết toán thuế, các cục thuế địa phương đều có chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. “Nhưng nhiều người không quan tâm, ít tìm hiểu, khi quyết toán mới cuống cuồng chạy khắp nơi, rồi quay ra đổ lỗi cho ngành thuế”, bà Hương nói.

Lê Hữu Việt