Thực hư tin đồn DOJI sẽ mua lại 15% cổ phần Eximbank từ tay SMBC?
Thời gian gần đây, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) liên tiếp ghi nhận diễn biến đáng chú ý cả về giá lẫn thanh khoản
Xét về giá, trong hơn một tuần trở lại, cổ phiếu này đã tăng hơn 16% lên mức 26.000 đồng/cp (tính tới kết phiên sáng 10/11). Trong ba phiên đầu tiên của tháng 11, giá cổ phiếu này đều tăng mạnh từ 3,6%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu EIB còn gây chú ý khi liên tục có các giao dịch thỏa thuận "lạ" trong nhiều tháng nay.
Theo dữ liệu từ HOSE, cứ sau ba ngày, cổ phiếu EIB lại ghi nhận một lượng lớn giao dịch thỏa thuận, khoảng 3,7 triệu/phiên, cao gấp nhiều lần khối lượng giao dịch khớp lệnh (trung bình từ đầu tháng 9 tới nay đạt hơn 400.000 đơn vị/phiên). Mức giá thỏa thuận thuận trung bình trong các phiên này cũng thấp hơn hẳn so với thị giá trên thị trường.
Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, có thời điểm khối lượng giao dịch thỏa thuận tăng vọt lên hơn 10 triệu đơn vị/phiên.
Đáng lưu ý, trong khoản thời gian gần đây, thị trường xuất hiện tin đồn việc nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC – cổ đông chiến lược nước ngoài của nhà băng này.
Tuy nhiên, phía DOJI đã bác bỏ thông tin về việc tập đoàn hay nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn mua lại 15% cổ phần Eximbank từ SMBC, theo Đầu tư Chứng khoán.
Phía DOJI cho biết các cổ đông lớn, cũng như Hội đồng quản tị của Tập đoàn đặt mục tiêu hiện chỉ tập trung phát triển DOJI và đồng hành, hợp tác phát triển với ngân hàng TPBank trong vai trò là cổ đông lớn chiến lược.
Eximbank vẫn còn "game"?
Mặt khác, dù DOJI đã bác bỏ thông tin này, nhưng giới đầu tư vẫn có nhiều cơ sở để cho rằng SMBC đang tìm cách thoái vốn tại Eximbank và sẽ còn nhiều "game" đối với cổ phiếu EIB.
Năm 2007, SMBC đã chi ra gần 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank. Tuy nhiên, giá cổ phiếu EIB ngay sau đó đã có nhiều năm ngụp lặn, có thời điểm còn xuống dưới mệnh giá. Không những vậy, từ năm 2013 đến nay, cổ đông Eximbank đã không được nhận cổ tức.
Xét trên góc độ đầu tư, có thể nói đây là một khoản đầu tư kém hiệu quả khi sau hơn 10 năm, với hơn 185 triệu cổ phần EIB hiện nắm trong tay, phải tới ngày cuối quý I/2021 SMBC mới hòa vốn.
Bên cạnh đó, dù sở hữu 15% cổ phần, nhưng dường như tiếng nói SMBC không còn sức ảnh hưởng tại ngân hàng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 ngày 27/4/2021, SMBC đã không cử người tham dự.
Mới đây, SMBC và VPBank cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của VPBank. Theo dữ kiện từ giới phân tích đưa ra, đặc biệt là từ Chứng khoán Bản Việt - đơn vị tư vấn cho thương vụ FE Credit, thì ngân hàng Nhật Bản này sẽ không chỉ dừng lại tại FE Credit mà còn mong muốn đầu tư vào VPBank.
Tuy nhiên, nếu SMBC thực sự muốn bắt tay với VPBank thì ngân hàng ngoại này cũng phải thoái vốn tại Eximbank bởi vì theo quy định về việc góp vốn vào các TCTD, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.
Vừa qua, việc ông Trần Tấn Lộc được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc của Eximbank sau hơn hai năm bỏ trống cũng khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng "cuộc chiến vương quyền" tại nhà băng này đang dần được giải quyết và đi tới hồi kết.