|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thực hư chuyện người Trung Quốc mua lượng nhà 'khủng' tại TP HCM

10:28 | 07/01/2019
Chia sẻ
Câu chuyện làm nóng thị trường bất động sản TP HCM những ngày qua không phải vì “sốt” giá đất tại một khu vực nào đó, hay sắp xuất hiện một dự án “khủng”..., mà chính là thông tin tỷ lệ người nước ngoài mua nhà hạng sang tại TP HCM chiếm 76%, trong đó khách hàng đến từ Trung Quốc chiếm 31%.
thuc hu chuyen nguoi trung quoc mua luong nha khung tai tp hcm
Giá bất động sản tại trung tâm TP.HCM chỉ bằng 10% so với tại trung tâm Hồng Kông.

Từ những con số báo cáo

Tại một hội nghị về thị trường bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, số lượng khách Trung Quốc mua căn hộ hạng sang tại TP HCM tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, khách mua căn hộ hạng sang là người Trung Quốc chỉ chiếm 2% trong năm 2016 và 4% trong năm 2017, cùng xếp vị trí thứ 6 về tỷ lệ sở hữu theo quốc tịch. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ người mua có quốc tịch Trung Quốc nhảy vọt lên dẫn đầu, chiếm đến 31%. Trong khi đó, khách hàng là người Việt xếp vị trí thứ hai với 24%.

Thị trường bất động sản hạng sang TP HCM đang chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ của người mua đến từ nước ngoài nói chung. Hai năm trước, tỷ lệ khách hàng là người nước ngoài mới chiếm 53%, thì đến năm nay đã tăng lên 76%. Nếu 2 - 3 năm trước, người mua nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, thì giờ có những người sinh sống ở nước ngoài và thậm chí còn chưa từng đặt chân đến Việt Nam.

thuc hu chuyen nguoi trung quoc mua luong nha khung tai tp hcm
Nhiều người Trung Quốc mua bất động sản TP HCM vì dự báo nơi đây sẽ phát triển như Phố Đông, Thượng Hải.

“Khách từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa) ưa chuộng các dự án cao cấp có quy mô lớn tại trung tâm hoặc gần trung tâm TP HCM. Khách Hàn Quốc lại ưu tiên mua các dự án của Phú Mỹ Hưng tại quận 7, nơi đã có cộng đồng người Hàn tương đối đông đảo. Trong khi đó, khách Âu - Mỹ thích sống biệt lập và yên tĩnh, nên thường nhắm đến các biệt thự, căn hộ riêng tư thuộc quận 2”, đại diện CBRE cho biết.

Ngay sau khi thông tin này được truyền tải, trên các trang diễn đàn bất động sản bàn tán xôn xao. Lãnh đạo một số doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP HCM cho rằng, con số do CBRE cung cấp chỉ để tham khảo.

“Năm vừa rồi, báo cáo về số lượng căn hộ tồn kho của CBRE và Savills cũng chênh nhau tới 2 - 3 lần. Có thể do phương pháp tính toán của các đơn vị khác nhau, cũng có thể do lượng mẫu điều tra thị trường chưa đủ lớn để có thông tin toàn diện. Do đó, những thông tin được cung cấp chỉ nên coi đó là một kênh tham khảo”, ông Phi, giám đốc một sàn giao dịch tại quận 9, TP HCM chia sẻ.

Ngay sau khi dư luận xôn xao về thông tin này, CBRE đã có phản hồi rằng, những con số này là số liệu thống kê thông qua sàn giao dịch của CBRE và ở phân khúc hạng sang, cao cấp, đồng thời chỉ mang tính chất tham khảo, không đại diện cho toàn thị trường.

Cụ thể, theo CBRE Việt Nam, tỷ lệ 31% người Trung Quốc mua nhà dựa trên số lượng các căn hộ bán được qua sàn giao dịch của CBRE, chủ yếu tập trung ở phân khúc hạng sang và cao cấp tại TP HCM trong 3 năm qua. Nguyên nhân khiến người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc mua nhà đất nhiều tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung do từ năm 2015 Việt Nam bắt đầu mở cửa rộng hơn đối với người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Thêm nữa, các chủ đầu tư Việt Nam cũng chủ động mang các dự án sang nước ngoài giới thiệu. Nếu như năm 2016 - 2017, các chủ đầu tư mang sang chào bán sản phẩm bất động sản tại Singapore, Hồng Kông, thì năm 2018, họ mang dự án sang cả Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc)...

Theo các chuyên gia, một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm hơn đến việc đầu tư vào thị trường bất động sản TP HCM, vì họ nhìn thấy được sự tương đồng trong phát triển giữa TP HCM và TP. Thượng Hải. Bởi cách đây 30 năm, Thượng Hải gần như giống TP HCM hiện nay với nhiều khu đất trống và nhà thấp tầng.

Trong quá trình phát triển hàng chục năm qua, giờ đây Thượng Hải là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới, kéo theo đó là giá bất động sản tăng lên rất nhiều lần. Theo số liệu của CBRE, trong vòng 20 năm từ năm 1995 - 2015, giá căn hộ chung cư tại khu vực trung tâm phố Đông, Thượng Hải có thời điểm lên đến 180.000 NDT/m2, tương ứng hơn 600 triệu đồng/m2, còn giá cho thuê văn phòng trong giai đoạn này tăng gần gấp đôi.

Đến tình hình thực tế

Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM, hiện nay việc cấp giấy chủ quyền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà tại các dự án cũng đang vướng mắc vì cơ quan quản lý chưa công bố dự án nào được cho người nước ngoài sở hữu nhà. Văn phòng chưa nhận hồ sơ cấp giấy cho người nước ngoài, do vậy không thể thống kê số lượng người nước ngoài mua nhà tại TP HCM.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về câu chuyện liên quan đến những con số thống kê, báo cáo thị trường, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết, hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP HCM, vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý. Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được.

Theo ông C.H.P, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc CPHome, không nên quá xôn xao việc cộng đồng nhà đầu tư mang một quốc tịch nào đó tăng sở hữu bất động sản trên thị trường. Các năm trước có thể lượng khách hàng đến từ Singapore, Philippines, Hàn Quốc mua nhiều và năm qua là người Trung Quốc.

Có thể do họ nhìn thấy thị trường TP HCM nhiều tiềm năng, có thể chính các chủ đầu tư tại TP HCM cũng chủ động đổ sang Trung Quốc chào hàng. Trên cơ sở pháp lý, thì người Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác đều quy chung là người nước ngoài và các nhà phát triển bất động sản trong nước được phép bán không quá 30% số căn hộ trong mỗi tòa nhà cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, rất khó để biết được con số chính xác người nước ngoài mua nhà ra sao. Bởi lẽ, việc người nước ngoài mua nhà đang được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó nhiều nhất vẫn là “chiêu” nhờ người Việt đứng tên hộ.

“Về số liệu thì chưa có con số chính xác, nhưng người Trung Quốc đã đến TP HCM từ rất lâu trước đó, ngày nay chỉ còn tập trung rải rác quanh khu vực Chợ Lớn và một số quận như quận 5, 6, 11. Công việc chủ yếu là buôn bán các mặt hàng về cơ khí, thuốc, thực phẩm... và hình thành nên khu phố người Hoa tại Sài Gòn”, ông P. nói.

Cũng theo ông P., hầu hết họ là người Triều Châu, Phước Kiến, Phước Châu... Ngôn ngữ của họ không phải tiếng Trung Quốc phổ thông, mà nghe giống như tiếng Quảng Đông, Quảng Châu, Phước Kiến, Phước Châu... Tuy nhiên, có một điều rất đặc biệt là họ đã hòa vào với người Việt, rất khó để nhận ra họ là người Trung Quốc nếu không nghe thấy họ nói chuyện.

Lý giải nguyên nhân vì sao người Trung Quốc “chuộng” mua nhà tại Việt Nam, vị lãnh đạo này chia sẻ, bất động sản Việt Nam đang trở thành "kho báu" mới của người Trung Quốc vì... rẻ. Giá bất động sản cao cấp ở trung tâm TP HCM dao động từ 3.000 - 6.000 USD/m2, bằng một nửa so với mức 7.000 - 9.000 USD/m2 bất động sản cùng phân khúc ở Bangkok (Thái Lan) và chưa đến 10% so với giá nhà ở Hồng Kông.

“TP HCM có thể so sánh với quận Phố Đông của TP. Thượng Hải cách đây 10 năm, khi các công trình hạ tầng gồm tàu điện ngầm và cảng hàng không mới được xây dựng ồ ạt, đẩy giá bất động sản tăng cao. Và đương nhiên, giá nhà TP HCM có thể tiếp bước các thành phố ở Trung Quốc, với mức tăng từ 4 - 5 lần trong vòng 10 năm tới”, ông P. cho biết.

Xem thêm

Việt Dũng