Thua lỗ tại Vinawaco: Nguy cơ vốn nhà nước mất trắng
Trụ sở Vinawaco thường xuyên bị các chủ nợ vây đòi nợ. |
Cố tình để nợ ngoài sổ sách
Tổng Công ty Xây dựng đường thủy vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công cảng biển, nạo vét luồng hàng hải của Bộ GTVT. Doanh nghiệp này cổ phần hoá từ năm 2014, phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp này được xác định là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, đó chưa phải là con số chốt, vì gần đây xuất hiện một trường hợp gần như chưa từng xảy ra trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinawaco cho hay, trong vòng 3 năm sau cổ phần hóa, thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ và của chính các chủ nợ đến đòi, Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ phải trả của các khách hàng bao gồm nợ xấu ngân hàng trị giá 66 tỷ đồng; khoản chi phí dở dang 38,2 tỷ đồng từ 25 công trình từ trước năm 2013 không tương ứng với doanh thu... Một trong những khoản nằm ngoài sổ sách lớn nhất mới phát lộ là khoản nợ 53 tỷ đồng từ vay ngân hàng Vietcombank kéo dài suốt 22 năm (vốn vay ban đầu 12 tỷ đồng để mua 3 con tàu sau 22 năm, tiền lãi lên đến hơn 40 tỷ đồng).
Chủ tịch Vinawaco Ngô Văn Tuấn cho hay, những khoản nợ, lỗ này đều không được đề cập trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, hoặc nếu có thì nợ phải trả thực tế lớn hơn nợ phải trả trong hồ sơ. “Phần vốn nhà nước tại Vinawaco là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ), do đó nếu các tồn tại này được xử lý, thì phần vốn nhà nước sẽ bị âm 30,3 tỷ đồng”, Chủ tịch HĐQT Vinawaco cho biết.
Sự việc sau đó được các cổ đông báo cáo lên Bộ GTVT. Bộ GTVT xác nhận có tình trạng này nhưng thực sự lúng túng trong việc tìm ra phương án giải quyết nên đã gửi công văn xin ý kiến của Bộ Tài chính. Trong công văn hồi âm, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa, khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nợ đọng và các khoản lỗ.
Theo các chuyên gia, ngay sau khi cổ phần hoá, đáng lẽ Bộ GTVT phải tiến hành quyết toán, chuyển quyền đại diện vốn Nhà nước từ Bộ GTVT sang Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, cũng từ những vướng mắc nêu trên nên việc chuyển phần vốn Nhà nước về SCIC đã không thể thực hiện được.
Kinh doanh lao dốc, chủ nợ bủa vây
Trong khi các vấn đề từ cơ quan chủ quản là Bộ GTVT rối ren, tình hình kinh doanh của Vinawaco tiếp tục xám xịt và đe dọa an toàn của vốn nhà nước tại đây.
Số liệu công bố tại Đại hội cổ đông của Vinawaco năm 2017 vừa qua cho thấy, năm 2016, tổng giá trị sản lượng của đơn vị đầu ngành về xây dựng cảng biển, nạo vét luồng này chỉ đạt 333 tỷ đồng, doanh thu 440 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,8 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 năm lại đây. Với kết quả kinh doanh trên, các cổ đông Vinawaco sẽ nhận cổ tức chỉ 0,6%.
Cũng theo báo cáo tại Đại hội cổ đông của Vinawaco, tình trạng tài sản, nguồn vốn của Vinawaco “không bình thường”: Nợ phải thu của và các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả chiếm 56-59%; nợ phải trả, trong đó có nợ ngân hàng gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo tài chính quý I/2017, tổng nợ phải trả của Vinawaco lên đến 935 tỷ đồng. Theo các nhân viên của Vinawaco, tình trạng các chủ nợ, các đơn vị đòi nợ thuê tìm đến vây trụ sở tổng công ty có giảm nhưng vẫn thường xuyên xảy ra. Đại diện nhiều doanh nghiệp từ các miền về trụ sở tổng công ty này tại Hà Nội ăn chực nằm chờ nhiều ngày vẫn không lấy được nợ.
Trong đơn kêu cứu gửi Tiền Phong sau nhiều ngày vô vọng chờ Vinawaco, ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Công ty Sơn Vũ (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thầu phụ cho Vinawaco tại dự án Cảng hàng quốc tế Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: Công ty chỉ có vốn điều lệ 5 tỷ nhưng Vinawaco nợ 3 tỷ nên công ty đang đứng trên bờ vực phá sản.
Ông Ngô Văn Tuấn cho hay, công ty đang hết sức khó khăn, nhất là trong tình hình thị trường đầu tư các dự án giao thông rớt thê thảm như hiện nay. Ngoài các công trình của Bộ GTVT, công ty đang nhận các dự án của các địa phương, không chỉ làm dưới nước, Vinawaco còn “nhảy” lên bờ để tìm việc để tồn tại.
Tình hình bết bát của Vinawaco kéo dài từ nhiều năm nay, nội bộ khiếu kiện triền miên, hàng loạt cán bộ vướng lao lý với các vi phạm về hối lộ, chạy dự án; nạo vét nhưng đổ thải sai vị trí, đút lót cơ quan báo chí để không đăng tin sai phạm... Giả sử vốn nhà nước tại Vinawaco sau khi xử lý các vấn đề tài chính nêu trên vẫn còn thì với tình hình kinh doanh như hiện nay, tài sản nhà nước sẽ tiếp tục bốc hơi; tài sản bị định giá rẻ mạt khi thoái vốn. Không biết đến lúc nào, cơ quan chủ quản là Bộ GTVT mới tìm được hướng xử lý cho doanh nghiệp này?
Trả lời phóng viên Tiền Phong về những diễn biến bất thường tại Vinawaco, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT cho hay, đang báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT để xử lý trong vòng 1 tuần. |