Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phát triển hạ tầng giao thông, kết nối cả nước và quốc tế
Trong chương trình công tác tại tỉnh Hòa Bình, chiều 26/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hoà Bình đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, Hòa Bình đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,03%; GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 55% xã đạt nông thôn mới; có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống của người dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Năm 2023 và những năm tiếp theo tỉnh Hòa Bình tập trung vào 4 đột phá chiến lược về quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.
Tỉnh phấn đấu năm 2023 đạt tốc độ tăng GRDP đạt 9%; GRDP bình quân đầu người 70,1 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 7.285 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1.695 triệu USD; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2,5-3%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%; toàn tỉnh có 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 80% chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Tỉnh Hòa Bình đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như: cho phép tỉnh lập hồ sơ 2 di chỉ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di chỉ quốc gia đặc biệt; lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện của nhân loại; hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình, di dời Bệnh viện đa khoa tỉnh sang vị trí mới, xây dựng một số tuyến đường, công trình thủy lợi; bổ sung quy hoạch thêm các khu công nghiệp...
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách liên quan quản lý Công ty Thủy điện Hòa Bình; quản lý, bảo vệ rừng; phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng CT229 tỉnh Hòa Bình...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình; phân tích các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Hòa Bình; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Hòa Bình phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới như: phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình, nhất là nền văn hóa Hòa Bình; phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu; công nghiệp chế biến...
Hòa Bình thiếu những con đường để kết nối
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; có nhiều kho tàng văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước...
Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách. Tỉnh có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, hệ thống sông ngòi phân bố tương đối dày và đồng đều với nhiều sông lớn, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao, diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn. Hòa Bình có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng.
Về công nghiệp, tỉnh có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; có 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với nhiều nhà máy trong và ngoài nước đầu tư; tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá...
"Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và nguồn lực phong phú, đa dạng, có thể nói tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện riêng có để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hoà Bình vào ngày 22/3/2022 vừa qua”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù có tiềm năng, lợi thế, song tỉnh Hòa Bình vẫn còn những hạn chế, phát triển chưa xứng với tiềm năng như: quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; thu ngân sách còn khiêm tốn; du lịch chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế chưa cao; công tác quy hoạch, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; công tác quản lý đất đai, khoáng sản còn bất cập; một số di sản văn hóa phi vật thể, nét đẹp truyền thống có nguy cơ mai một; đời sống nhân dân nhiều nơi còn khó khăn...
“Hòa Bình cũng như các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... là cửa ngõ của Thủ đô, thậm chí Hòa Bình có một số lợi thế hơn, song đến nay Hòa Bình đang là địa phương chậm phát triển nhất; phải chăng do Hòa Bình thiếu những con đường để kết nối với cả vùng Tây Bắc, với Hà Nội, với sân bay, bến cảng”, Thủ tướng trăn trở.
Cùng với nêu các quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hòa Bình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đặc biệt là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh vào ngày 22/3/2022.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế. Trong đó ưu tiên xây dựng đường liên kết vùng, các cao tốc nối Hòa Bình với Hà Nội, nối Hòa Bình với Sơn La, vùng Tây Bắc.
Hòa Bình cần tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo; có cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP); phát triển nông nghiệp chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hòa Bình.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Hòa Bình phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trước mắt rà soát, củng cố 5 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực hiện quá; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Hòa Bình.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Hòa Bình tiếp tục giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong phòng, chống ma túy; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Thủ tướng ghi nhận, song phải nghiên cứu phù hợp với tình hình và nguồn lực; lưu ý các bộ, ngành và tỉnh Hòa Bình phối hợp, thúc đẩy giải quyết theo thẩm quyền.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu làm hồ sơ ngay trong tháng 3 để đề nghị công nhận 2 di chỉ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di chỉ quốc gia đặc biệt; trong năm 2023 phải lập xong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện cho nhân loại.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cơ bản chỉ hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách, ý tưởng và tạo điều kiện để tỉnh triển khai thực hiện; còn về kinh phí nguồn ngân sách Trung ương có hạn và phải chi theo quy định, thứ tự ưu tiên; đề nghị tỉnh Hòa Bình phát huy tinh tính tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo huy động các nguồn lực toàn xã hội để đầu tư phát triển.