Thủ tướng yêu cầu tăng thu ngân sách
Tại Công điện ngày 2/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phục hồi tích cực. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, bội chi, nợ công, Chính phủ, nước ngoài trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, một số khoản thu ngân sách có tiến độ thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Kết quả giám sát cho thấy chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi chưa nghiêm, còn gian lận, trốn thuế. Quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai, thất thoát, lãng phí còn xảy ra tại một số bộ ngành, địa phương, đơn vị.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo cấp dưới tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu, tiết kiệm chi, cân đối ngân sách trong những tháng còn lại của năm.
Về thu ngân sách, các bộ ngành hoàn thiện chính sách, có giải pháp quản lý, chống thất thu. Các cơ quan này được giao tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế với nhà, đất; giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài; doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là ăn uống.
Trên cơ sở đó, thu ngân sách năm nay đặt mục tiêu vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với năm 2024. Việc này nhằm đảm bảo có nguồn chi theo dự toán, cải cách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Về chi ngân sách, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm nay. Năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để cải cách tiền lương, các đơn vị phải tiết kiệm thêm khoảng 10%. Nguồn tiền này để giảm bội chi, hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, bổ sung cho chi đầu tư phát triển.
Cũng liên quan tới chi ngân sách, năm nay, Thủ tướng giao gần 670.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các địa phương. Song, giải ngân nguồn vốn này 8 tháng mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, 19 bộ ngành, 31 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.
Thúc đẩy đầu tư, trong đó có đầu tư công, là động lực quan trọng để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm nay (theo Nghị quyết Chính phủ tháng 6).
Tại công điện hôm nay, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Với các dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm, ông yêu cầu điều chuyển sang dự án khác. "Mục tiêu giải ngân đạt trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần đẩy tăng trưởng kinh tế", công điện nêu.