Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu ý tưởng phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng liên quan tới ý tưởng phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu ý tưởng phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng.
Theo đó, công văn dẫn bài viết "Sân bay Đà Nẵng: Di dời hay xây đô thị sân bay?" của Báo điện tử Tuổi trẻ ngày 4/8/2019 phản ánh ý tưởng của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về phát triển đô thị sân bay cho Đà Nẵng.
Trong đó, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng "cần thay đổi tư duy đô thị hóa đến đâu, dời sân bay đến đó", "Ngộ nhận phổ biến là sân bay phải xa đô thị nhưng xu hướng hiện nay sân bay không tách rời đô thị. Thất bại của sân bay Tân Sơn Nhất do quy hoạch sân bay tách với quy hoạch đô thị, dẫn tới tắc nghẽn và tốn kém cho kế hoạch phát triển khu vực".
Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu bài viết trên.
Trước đó, theo thông tin từ báo chí phản ánh, tại buổi tọa đàm 20 năm Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng hôm 2/8, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý tưởng phát triển mô hình đô thị sân bay cho Đà Nẵng.
Theo ông, việc di dời sân bay Đà Nẵng về Chu Lai hoặc nơi khác cách xa trung tâm TP vài chục km là điều bất khả thi. Nhiều sân bay lớn trên thế giới như Changi (Singapore), Roissy (Pháp), Heathrow (Anh) hay Doha (Qatar) từ sớm đã phát triển thành đô thị sân bay. Nằm trong lòng đô thị, những sân bay này còn là động lực phát triển đô thị.
"Cần thay đổi tư duy đô thị hóa đến đâu, dời sân bay đến đó. Ngộ nhận phổ biến về quy hoạch hiện nay là sân bay phải cách xa đô thị nhưng thế giới hiện nay xu hướng sân bay không còn tách rời đô thị nữa. Nếu quy hoạch đô thị quanh sân bay có quy mô và định hướng phát triển phù hợp thì vẫn có thể giữ lại sân bay để phát triển lâu dài. Đồng thời phát triển cả vùng đô thị xung quanh", Kiến trúc sư Nam Sơn nói.
Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, thất bại của sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) là do quy hoạch sân bay tách biệt với quy hoạch đô thị. Sai lầm này dẫn tới sự tắc nghẽn và tốn kém cho các kế hoạch phát triển khu vực về sau.