|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng tập trung cho vay DN, dự án thuộc hệ sinh thái

15:19 | 07/12/2023
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, trong thời gian tới.

Trước hết, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Từ đó, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2023 để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, tạo đà cho năm 2024 gắn với an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng. (Ảnh: VGP).

Thứ hai, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chỉ đạo các TCTD rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay…) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống.

Sớm hoàn thiện trình cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các hoạt động mới như Fintech, cho vay trực tuyến… để tạo điều kiện huy động và cho vay tiện lợi hơn.

Thứ ba, chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng TCTD trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Rà soát, kiện toàn và nâng cao vai trò của các TCTD phi ngân hàng (như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô…) nhằm vừa kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn chính thức, giảm nạn tín dụng đen.

Thứ tư, nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống TCTD và lãi suất bình quân cho vay của từng TCTD và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

NHNN theo dõi sát sao diễn biến quốc tế, tình hình lạm phát và cung tiền trong nước để có động thái quyết liệt hơn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (nhất là các tổ chức tín dụng lớn, tiên phong) trong việc tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục giảm lãi suất phù hợp.

Thứ năm, tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà.

Tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Lưu ý tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất là Nghị quyết 33 về thị trường bất động sản, Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030…

Thứ sáu, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02/2023, Thông tư số 03/2023 và Thông tư số 06/2023 và Thông tư số 10/2023 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Thứ bảy, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Tiếp tục kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.

Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển đổi số, đặc biệt an toàn mạng, chống xâm nhập hệ thống lấy tiền trong tài khoản của ngân hàng.

Thứ chín, phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững (nhất là Nghị định 08/2023, lưu ý đề xuất về Nghị định này khi hết hiệu lực vào cuối tháng này).

Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm trong tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này.

Thứ mười, phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chấm dứt tình trạng cho vay các doanh nghiệp sân sau, lãi suất thấp cho lãnh đạo ngân hàng

Đối với các TCTD, Thủ tướng yêu cầu cần sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng.

Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.

 Đại diện các ngân hàng tham dự Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng sáng 7/12. (Ảnh: VGP).

Các ngân hàng cũng cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, mỗi NHTM nghiên cứu, xây dựng đề án riêng để đẩy mạnh cho vay đối tượng này.

Các công ty tài chính triển khai đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhằm thúc đẩy cầu tiêu dùng, sản xuất và cầu tín dụng.

Bên cạnh đó, TCTD cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số.