|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Xử lý dứt điểm việc chuyển dự án Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp về tỉnh Tiền Giang

21:45 | 24/03/2024
Chia sẻ
Sau khi nghe cáckiến nghị của tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đề nghị chuyển dự án Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp về tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 3 năm 2021-2023, một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; sớm ban hành kế hoạch, triển khai quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo, trong hai tháng đầu năm, sản xuất, kinh doanh của tỉnh Tiền Giang có dấu hiệu phục hồi, chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 -0,91%; năm 2022 tăng 7,04%, năm 2023 tăng 5,72% (cao hơn trung bình cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt 69 triệu đồng, tăng 23,6% so với năm 2020.

Khu vực nông nghiệp tăng khá và cao hơn cùng kỳ, thực tế thu nhập người dân tăng nhanh; 142/142 xã được công nhận nông thôn mới, đạt 100%, đứng thứ 1/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 5,4 tỷ USD tăng 32%, vượt 38,4% kế hoạch năm, đứng thứ 2/13 tỉnh toàn vùng. Giải ngân đầu tư công luôn trong tốp đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước; thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh chiếm 11,8% toàn vùng, đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

"Một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình: Một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế với ba khâu đột phá phát triển. Tập trung phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, du lịch theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Thủ tướng cho rằng phát triển nông nghiệp cần chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, huy động sự tham gia của ngân hàng và doanh nghiệp để bảo đảm nguồn vốn và đầu vào - đầu ra, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chế biến sâu, tham gia chuỗi cung ứng.

Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP). Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng du lịch, dịch vụ. Cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.

Nghiên cứu, tham khảo các mô hình, cách làm hay trên cả nước để tiếp tục nâng cao thứ hạng các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), nâng cao xếp hạng về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tích cực tham gia chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc sắp tới. Phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy giá trị các di sản, di tích trên địa bàn.

Xử lý ngay các kiến nghị của tỉnh Tiền Giang

Cho ý kiến về các đề xuất, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đề nghị chuyển dự án Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp về tỉnh Tiền Giang với tư duy đổi mới, thực tiễn.

Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương xem xét bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để đầu tư đoạn còn lại 6,8 km tuyến đê giảm sóng xa bờ Gò Công với kinh phí dự kiến 336 tỷ đồng. "Những vấn đề liên quan tính mạng người dân phải xử lý ngay", Thủ tướng nhấn mạnh.

Để giải quyết tổng thể, căn cơ vấn đề biến đổi khí hậu trong khu vực ĐBSCL, sau nhiều lần khảo sát thực tiễn tại các địa phương và qua chuyến công tác lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng, trình dự án khắc phục sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập và mặn tại ĐBSCL, đánh giá chính xác tình hình, xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, triển khai càng sớm càng tốt.

Về dự án trục giao thông đô thị TP HCM - Long An - Tiền Giang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đây là tuyến giao thông quan trọng, có thể nghiên cứu tiến hành đầu tư sớm hơn dự kiến trên cơ sở huy động nguồn vốn đa dạng gồm cả vốn ODA, vốn địa phương. Thủ tướng đề nghị các địa phương liên quan cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần "tự lực tự cường" để cùng tham gia xây dựng tuyến đường này.

Hạ An