Thủ tướng: Nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại
|
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, chiều ngày 11/9, tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị bàn tròn đối thoại với các giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.
Hiện nay Trung Quốc đang đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 1.500 dự án, tổng vốn 11 tỷ USD.
Trước sự quan tâm về môi trường đầu của các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng cho biết: “Cơ hội, không gian, tiềm năng hợp tác tại Việt Nam rất lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Thủ tướng cũng thông báo, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN và phấn đấu, trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào Top ASEAN 4.
Trước các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng khẳng định quan điểm xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, không đầu tư bằng mọi giá. Tuy nhiên, "Việt Nam vui mừng đón nhận những xí nghiệp, công ty làm ăn tốt, công nghệ thiết bị bảo vệ môi trường tốt".
Cũng trong buổi thảo luận, các doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra nhiều câu hỏi cụ thể với từng lĩnh vực. Trả lời câu hỏi về yêu cầu trong hợp tác năng lượng giữa hai nước và các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20%, thì việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam như điện gió, mặt trời có dư địa rất lớn. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến năng lượng tái tạo”.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch phát triển nền kinh tế số của lãnh đạo Tập đoàn Hoa Vi, chuyên về công nghệ thông tin và viễn thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, Việt Nam coi công nghệ thông tin, viễn thông là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, là hạ tầng cho các ngành khác phát triển. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển lĩnh vực này như xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ hoạt động của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân hiệu quả hơn.
Lãnh đạo của ngân hàng Trung Quốc nêu câu hỏi về chính sách để khuyến khích giao dịch trực tiếp giữa các ngân hàng hai nước nhằm tạo điều kiện cho trao đổi thương mại của các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng hai nước đóng góp tích cực vào sự phát triển quan hệ thương mại song phương như là đầu mối trung gian, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Trung ương của hai nước đã ký kết hiệp định về hợp tác và thanh toán. Đến nay, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã thiết lập quan hệ đại lý và thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc. Trong khuôn khổ hiệp định hợp tác, hệ thống ngân hàng hai nước đã tổ chức thực hiện thanh toán bằng bản tệ đối với các tỉnh biên giới.
Minh Tâm