Thủ tướng: Nếu xảy ra vi phạm môi trường thì đóng cửa nhà máy
Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "đặt hàng" với chính quyền và các nhà đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Thuận ngày 27/8. Ông nhấn mạnh, Ninh Thuận có lợi thế so sánh là vừa mang vẻ đẹp Việt, vừa có những đặc trưng của “một Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”.
Rút kinh nghiệm từ bài học Formosa, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư vào Ninh Thuận cần chủ động quán triệt tinh thần "dứt khoát sẽ đóng cửa nhà máy, nộp toàn bộ tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra vi phạm môi trường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền Ninh Thuận phải xây dựng chính quyền đối thoại, dẹp bỏ rào cản, có cam kết chính sách rõ ràng, cụ thể để thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: VGP |
Hiện môi trường đầu tư của Ninh Thuận vẫn thấp đáng kể so với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hoà. Theo thống kê, tại Ninh Thuận, cứ 275 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi các địa phương cả nước trung bình 160 người dân có một doanh nghiệp. Các nước phát triển thì cứ 3-4 người dân là có một doanh nghiệp rồi.
"Doanh nghiệp tạo ra việc làm, GDP chứ có phải các đồng chí làm việc đó đâu. Do đó, địa phương phải có cam kết chính sách rõ ràng, cụ thể với các nhà đầu tư. Cần xây dựng chính quyền đối thoại, dẹp bỏ các rào cản, hỗ trợ khởi nghiệp. Đừng để thủ tục nhận mảnh đất phải mất vài năm thì cơ hội kinh doanh còn đâu nữa với các nhà đầu tư", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Vì thế, ông yêu cầu các bộ ngành địa phương làm chính sách một cách khoa học, tổng thể, không mâu thuẫn, chồng chéo, mang định hướng thị trường, tầm nhìn xa. “Đừng để xảy ra tình trạng băm nát bãi biển rồi chia lô bán nền, không có tầm nhìn xa hơn để phát triển đất nước. Không được xé lẻ, xé nhỏ dự án", Thủ tướng nói.
Quy hoạch rõ ràng, thống nhất sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tối ưu hóa giá trị đất đai và phân bổ tài nguyên. Các nhà máy ven biển, các khu công nghiệp, cảng biển tổng hợp cần đặc biệt chú ý kiểm soát, bảo vệ môi trường. Trong phát triển, không phá hỏng lợi thế về du lịch, kinh tế biển.
Chính quyền mọi cấp, mọi ngành của Ninh Thuận cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, cần tích cực, chủ động hơn trong trao đổi, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư. Tránh tình trạng tiếp dân, doanh nghiệp một cách hình thức, “nói trước quên sau”.
“Có vị tổng giám đốc có nói với tôi rằng, để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất khó về đền bù, tái định cư. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn có thể nếu chính quyền mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề cụ thể. Để vài năm thì cơ hội kinh doanh với nhà đầu tư còn đâu nữa?”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Bên cạnh xây dựng hệ thống hành chính phục vụ doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là xây dựng, nâng cao năng lực hệ thống bộ máy chính quyền các cấp. Ninh Thuận cần tăng cường hợp tác liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển để thể hiện vai trò, vị trí chiến lược của mình.
Theo Anh Minh
Vnexpress