|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Một môi trường tốt đang chờ đón các nhà đầu tư

17:15 | 14/09/2016
Chia sẻ
Chiều 14/9, trong chuyến thăm Khu hành chính đặc biệt Hongkong, phát biểu trước 300 nhà đầu tư dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Hong Kong-Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một môi trường tốt đang chờ đón các nhà đầu tư và mong các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi.
tin nhap 20160914170645
Thủ tướng phát biểu trước 300 nhà đầu tư dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Hongkong-Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là diễn đàn đặc biệt do VCCI phối hợp với Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong và Phòng Thương mại Hong Kong-Việt Nam phối hợp tổ chức. Diễn đàn thu hút sự tham dự của 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hong Kong, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng tham dự có Quyền Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Rimsky Yuen.

“Nhà đầu tư thất bại là chúng tôi thất bại”

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kết quả của các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Hai bên đã thống nhất nhiều phương hướng chiến lược để nâng tầm quan hệ hợp tác hai nước sang giai đoạn phát triển mới, với trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại mạnh mẽ hơn nữa, chất lượng cao hơn, hiệu quả, bền vững hơn.

Đây chính là nền tảng quan trọng, là cơ hội thuận lợi cho sự hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Trung Quốc nói chung và Hongkong nói riêng. “Năm nay, chúng tôi phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD. Việt Nam sẽ là một trong những đối tác thương mại ASEAN lớn nhất của Trung Quốc. Đây là tin vui đối với tất cả các nhà đầu tư Hongkong làm ăn tại Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Trước hàng trăm nhà đầu tư, Thủ tướng cũng giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là môi trường đầu tư-kinh doanh, những tiềm năng, lợi thế tại thị trường Việt Nam.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm thời gian qua, nhưng Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, vẫn đạt mức tăng GDP khá cao. Dự trữ ngoại hối tăng liên tục. Nếu tính theo ngang giá sức mua PPP thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 đạt trên 5.600 USD. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao. Liên tiếp trong nhiều năm, kim ngạch thương mại Việt Nam tăng bình quân khoảng 15%/năm, năm 2015 đạt 330 tỷ USD. Hiện có hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 21.000 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam-EU và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại khác, trong đó có FTA ASEAN và Hongkong. Các FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên G-20, với quy mô 2/3 dân số và 3/4 GDP toàn cầu. Chỉ số môi trường kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc và trong năm 2017, Việt Nam phấn đấu vào tốp 4 của ASEAN.

tin nhap 20160914170645
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký 10 Thỏa thuận hợp tác và Hợp đồng Thương mại với tổng giá trị lên đến 10 tỷ USD giữa các doanh nghiệp tham dự. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) của ngành sản xuất Việt Nam - một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất do Nikkei công bố đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 8/2016 (từ mức 51,9 điểm trong tháng 7). Sản lượng đơn hàng xuất khẩu tăng nhanh.

“Đặc biệt, Việt Nam là nước có sự ổn định chính trị xã hội rất tốt và Chính phủ đang xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cải cách hành chính quyết liệt. Việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển đã được đặt ra để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói. “Một môi trường tốt đang chờ đón các bạn và mong các bạn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi. Chúng tôi cam kết rằng Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hongkong đầu tư vào những lĩnh vực mà mình có thế mạnh như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ vận tải biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản”.

Thủ tướng mong rằng với vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và toàn cầu, Hong Kong sẽ là thị trường thuận lợi để huy động các khoản tín dụng cho phát triển, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

“Việt Nam chào đón các bạn, mong các bạn sớm xúc tiến đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Tôi xin nói một lần nữa rằng Chính phủ Việt Nam coi thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Thất bại của các bạn là thất bại của chúng tôi”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng tin tưởng, với số dân sẽ tăng gần 100 triệu vào những năm tới, một thị trường rộng lớn với độ mở nền kinh tế lớn thì tới đây, Việt Nam là mảnh đất tốt để hợp tác đầu tư kinh doanh với tinh thần hai bên cùng thắng.

Ký các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trị giá gần 10 tỷ USD

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Danh dự vĩnh viễn Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hongkong và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Hong Kong-Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện này. Tiến sĩ Jonathan Choi đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian qua; cho rằng Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều chương trình cải cách thị trường đầy tham vọng, đi đôi với những chính sách phù hợp để có thể mở rộng hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư thương mại từ mọi quốc gia trên thế giới.

Tiến sĩ Jonathan Choi nêu rõ, sự kiện Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Việt Nam-Hong Kong và việc ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác tại Diễn đàn sẽ là cột mốc hết sức quan trọng trong lịch sử quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong.

Trong phần phát biểu của mình, Quyền Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Rimsky Yuen nêu rõ, quan hệ hợp tác giữa Hong Kong và Việt Nam đang phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ngày càng có nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Hong Kong. Hai bên cũng đang có sự hợp tác chặt chẽ về thương mại, đầu tư. Năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hong Kong. Kim ngạch hai chiều giữa Hong Kong và Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD.

Ông Rimsky Yuen đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với các đối tác của Hong Kong; mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Hong Kong đầu tư vào Việt Nam để hai bên có thể hợp tác hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, nhất là về vốn và sở hữu trí tuệ. Ông Rimsky Yuen nêu rõ, Hong Kong sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Hong Kong và Trung Quốc nội địa.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định nền kinh tế Hong Kong và Việt Nam mang tính bổ sung tốt cho nhau. Hong Kong với tư cách là một trong những trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu trên thế giới và cũng là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn xuyên quốc gia và các quỹ đầu tư quốc tế, đang phát huy lợi thế là cửa ngõ, một kênh dẫn quan trọng, huy động nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Cách đây 30 năm, Hong Kong chính là cánh cửa đầu tiên mở ra thị trường trên thế giới và để hiện nay Hong Kong đóng vai trò như là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

“Chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và tới Hong Kong lần này của Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy cổ vũ và thúc đẩy xu thế mở rộng đầu tư kinh doanh và hợp tác lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc nói chung và Việt Nam-Hong Kong nói riêng”, ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký 10 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị lên đến 10 tỷ USD giữa các doanh nghiệp tham dự. Đặc biệt, cũng tại diễn đàn này, VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 đối tác, gồm: Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong và Phòng Thương mại Hong Kong-Việt Nam và Ủy ban Phát triển thương mại Hong Kong.

Theo đánh giá của VCCI, diễn đàn đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với Hong Kong, Trung Quốc và các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là các hoạt động đầu tư thông qua các hệ thống ngân hàng, quỹ tài chính quốc tế...

Theo Đức Tuân

Báo Chính Phủ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.