|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thủ tướng: Không để thất thoát đất 'vàng' khi cổ phần hoá doanh nghiệp

19:57 | 06/12/2016
Chia sẻ
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước song Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cơ quan chức năng phải thực hiện chặt chẽ, tránh xảy ra thất thoát.

Quan điểm này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, chiều 6/12.

Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới & phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ khoảng 6.000 đơn vị năm 2001 xuống còn 718, tính tới tháng 10/2016.

Dù giảm mạnh về số lượng song số cổ phần bán ra thị trường mới đạt 8% tổng vốn Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp là điều khiến Thủ tướng đặt câu hỏi, yêu cầu làm rõ nguyên nhân.

“Cần xác định Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối ở các loại hình doanh nghiệp nào, như có cần thiết phải giữ tại các doanh nghiệp lĩnh vực thuỷ nông hay không?”, Thủ tướng nói.

thu tuong khong de that thoat dat vang khi co phan hoa doanh nghiep

Thủ tướng lưu ý, cổ phần hoá doanh nghiệp phải tránh thất thoát tài sản, vốn Nhà nước.

Vấn đề tiếp theo được người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần "trả lời thẳng, trực tiếp" là làm sao không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là vấn đề đất đai ở những vị trí thuận lợi khi cổ phần hóa doanh nghiệp, gồm cả các đơn vị ở khối công an, quân đội...

Đơn cử qua quá trình thực hiện Nghị định 59 về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, một số địa phương có ý kiến về quy định thời hạn 30 ngày làm việc để có ý kiến về giá đất là ngắn, khó thực hiện khi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại địa phương chưa được phê duyệt. "Nghị định 59 khi triển khai đã chỉ ra nhiều bất cập, nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, khắc phục thất thoát vốn chỗ này thế nào cũng cần bàn rõ", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, để triển khai hiệu quả việc thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp và tiến hành cổ phần hóa thành công thì trước hết cần xác định những đơn vị nào Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối, đơn vị nào nên "buông".

"Danh sách xếp loại doanh nghiệp Nhà nước đã ở trên tay nhưng tôi chưa ký chính vì cần phải thống nhất: Những doanh nghiệp nào cần thoái vốn toàn bộ, những doanh nghiệp nào cần chi phối và nếu cần nắm giữ thì ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?”, Thủ tướng chia sẻ.

Đề cập tới chuyện cá nhân lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cố tình "giữ khư khư không chịu nhả", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu truy trách nhiệm của người đứng đầu "chây ỳ", cố tình không cổ phần hoá doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có những vấn đề về việc bán vốn dưới mệnh giá, bán theo lô, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, việc công khai minh bạch đảm bảo chặt chẽ trong quá trình bán vốn... cũng là những vấn đề được Thủ tướng đặt ra. "Tôi có nghe rằng, có doanh nghiệp rất lớn sau khi tiến hành định giá, Kiểm toán Nhà nước xác định lại thì chênh lệch tới 10.000 tỷ đồng”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết mục tiêu 5 năm tới, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 100% vốn tại các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Số doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối sẽ phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tăng hiệu quả cạnh tranh...

Anh Minh