|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh

21:32 | 19/02/2019
Chia sẻ
Thủ tướng đặt vấn đề, Bộ KH&ĐT cần làm sao để đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh; làm sao để các Nghị quyết 02, 35… thực thi đạt kết quả cao nhất, xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Bộ KH&ĐT tham mưu gỡ bỏ quy định dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm

Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vào sáng nay (ngày 19/2), Thủ tướng ghi nhận Bộ đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua.

Một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, qua đó bãi bỏ quy hoạch gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

thu tuong dat muc tieu dua viet nam vao top 4 asean va tiem can tieu chuan oecd ve moi truong kinh doanh
Thủ tướng đặt vấn đề, Bộ KH&ĐT cần làm sao để đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh; làm sao để thực thi hiệu quả Nghị quyết 02, 35... (Ảnh: VGP)

Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin-cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf...

Đồng thời, Bộ cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút đầu tư nước ngoài. Vì thế, Tạp chí Forbes của Mỹ đánh giá Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt yếu kém cần khắc phục như công tác đánh giá, quản lý, giải ngân vốn đầu tư công đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước nhưng còn chậm; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được tổ chức tốt.

Thủ tướng lấy ví dụ như xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 30 có nhiều vấn đề mà các bộ, ngành không thống nhất được như chỉ định nhà đầu tư, tiền thuê đất…

Bộ KH&ĐT cần giải 5 bài toán lớn

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chính sách tài chính thắt chặt ở một số nước…, ngành KH&ĐT cần có giải pháp trước các nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang được đánh giá là còn rất lớn.

Thủ tướng minh họa bằng việc dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức Thái Lan năm 2011; đến năm 2045, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức Hàn Quốc năm 2015.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đặt ra 5 bài toán lớn đối với Bộ KH&ĐT.

Thứ nhất, với tư cách là bộ tổng tham mưu, Bộ phải hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế - xã hội 2019 có thể tạo ra bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu các ngành.

Thứ hai, Bộ phải đề xuất cơ chế chính sách để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới, trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba là làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ.

Thứ tư là làm sao đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh. Chúng ta có các Nghị quyết 02, 35…, ngành KH&ĐT cần tham vấn để thực thi đạt kết quả cao nhất, xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Thứ năm là làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đề xuất chính sách giải pháp cụ thể, không chấp nhận chính sách không khả thi, không hiệu quả.

Xem thêm

N. Lê