|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Chống độc quyền ngành điện

08:14 | 18/11/2023
Chia sẻ
Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật về ngành điện cần có cơ chế huy động các nguồn lực, xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng các công trình điện lực; bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền.

Phát biểu về Luật Điện lực (sửa đổi) tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 diễn ra ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển điện lực phải bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, an toàn trong sử dụng điện và tiết kiệm điện năng.

"Cần có cơ chế huy động các nguồn lực, xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng các công trình điện lực; bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu đối với phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới cần nghiên cứu để tạo cơ chế đột phá trong đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới. Nội dung về hoạt động mua bán điện cần nghiên cứu, xây dựng theo hướng thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

 

 

Thảo luận các nội dung liên quan đến "Luật Điện lực (sửa đổi)", các thành viên Chính phủ cũng đã cho ý kiến về việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Cũng như việc quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Tiến tới là cạnh tranh bán lẻ điện

 

Trước đó, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó, Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật khác, thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cần thiết phải xem xét sửa đổi thẩm quyền trong việc ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định.

"Định hướng phát triển thị trường điện lực ở Việt Nam là mở ra cạnh tranh đối với khâu phát điện, sau đó là bán buôn điện và tiến tới là cạnh tranh bán lẻ điện", tờ trình từ Bộ Công Thương nêu rõ.

Dự thảo Luật Điện lực sẽ sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Trong đó quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng mức điều chỉnh giá gồm Chính phủ, đơn vị điện lực là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về chính sách giá điện, giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Việc thực hiện chính sách giá điện cho các đơn vị điện lực được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng.

Dự thảo cũng nêu vấn đề phân cấp, phân quyền trong giá điện và hoạt động mua bán điện. Trong đó, giao Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng đối với giá điện hai thành phần; giao Chính phủ quy định chi tiết về mua bán điện với nước ngoài… 

 

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.