|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ lỗ hổng 'xin - cho' trong phát triển năng lượng tái tạo

04:00 | 16/05/2020
Chia sẻ
Việc các nhà đầu tư trong nước “xin” dự án năng lượng tái tạo rồi sau đó “bán” cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là nội dung mà VietTimes đã phản ánh tại loạt bài viết trước đó.
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ lỗ hổng “xin - cho” trong phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3778/VPVP-CN gửi Bộ Công thương liên quan đến thông tin về lỗ hổng trong giao nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo mà báo điện tử Nhà đầu tư đã phản ánh.

Theo đó, ngày 8/5/2020, báo Nhà đầu tư có nội dung cho biết cơ chế “xin - cho” đang là một lỗ hổng lớn trong thực tế phát triển năng lượng tái tạo.

Nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực vẫn giành được những dự án quy mô lớn, rồi nhanh chóng sang tay cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời. Gần đây là thông tin liên quan đến dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD của Công ty HLP Invest ở Bình Thuận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công thương làm rõ và báo cáo gấp về thông tin báo điện tử Nhà đầu tư phản ánh nêu trên.

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ lỗ hổng “xin - cho” trong phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương làm rõ, báo cáo gấp về lỗ hổng lớn trong thực tế phát triển năng lượng tái tạo (Nguồn: VT)

Việc các nhà đầu tư trong nước “xin” dự án năng lượng tái tạo rồi sau đó “bán” cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là nội dung VietTimes đã phản ánh tại loạt bài viết.

Về CTCP Đầu tư HLP (HLP Invest), doanh nghiệp này đang đề xuất đầu tư Dự án cánh đồng gió biển Cổ Thạch ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án phong điện công suất 2.000 MW có tổng mức đầu tư dự kiến là 4,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, cập nhập tới tháng 10/2018, quy mô vốn điều lệ của HLP Invest chỉ đạt 90 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng chỉ ở mức 1.347 tỷ đồng.

HLP Invest có nhiều mối liên hệ với CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II (VSP II) - chủ đầu tư dự án cùng tên có quy mô 40,8ha, công suất 30 MW, tại huyện Tuy Phong. Đầu tháng 3/2019, các cổ đông trong nước tại VSP II đã thoái toàn bộ vốn cho nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.

Một doanh nghiệp khác có mối liên quan tới nhóm HLP Invest là Công ty TNHH Điện mặt trời HCG Tây Ninh đã cùng với Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư tín thác Hoàng Thái Gia (HTG) đầu tư dự án điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Tiên Thuận & Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 2019, dự án này đã được bán cho một công ty con của tập đoàn Trung Quốc.

Dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác.

Tháng 3/2020, Hội đồng quản trị Super Energy Corporation (SEC) đã thông qua nghị quyết về việc mua lại cụm 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh do CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) làm chủ đầu tư.

Cụ thể, “đại gia” đến từ Thái Lan sẵn sàng chi ra tới 456,7 triệu USD cho thương vụ này. Các tài liệu được công bố còn cho thấy, SEC đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời khác tại Việt Nam. Tất cả đều được mua lại từ các nhà đầu tư trong nước.

Nguyễn Ánh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.