Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Ngày 15/9 sẽ trình lại Chính phủ phương án giá điện mặt trời mới
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kì tháng 7 chiều nay (1/8), phóng viên đã đặt câu hỏi về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời với đại diện Bộ Công thương.
Cụ thể, Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế giá ưu đãi 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh) cho các dự án điện mặt trời trong 20 năm đã hết hiệu lực từ 30/6 nhưng tại sao đến nay vẫn chưa có chính sách giá mới?
Trả lời phóng viên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho hay ngày 31/7 vừa qua, Bộ Công thương đã báo cáo thường trực Chính phủ về kịch bản giá điện mới trên cơ sở nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, trước góp ý của các thành viên Chính phủ, Bộ, ngành, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện lại kịch bản giá điện mặt trời mới theo hai vùng và trình lại Chính phủ vào ngày 15/9.
Theo ông Hải, giá điện mặt trời tới đây sẽ không còn chung một mức giá 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh) mà sẽ chia ra nhiều mức ra theo từng vùng bức xạ nhiệt. Việc để một giá điện mặt trời cho tất cả các vùng bức xạ như vừa qua là không còn phù hợp.
Trong các kịch bản đưa ra trước đây, Bộ Công Thương đề xuất 4 mức giá tương ứng cho 4 vùng bức xạ mặt trời. Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương đưa ra phương án 2 mức giá sau khi nhận góp ý từ các Bộ, ngành và thường trực Chính phủ.
Cụ thể, ở kịch bản này, vùng 1 gồm 6 tỉnh có bức xạ nhiệt cao như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Phú Yên... và vùng 2 là các tỉnh còn lại. Giá điện mặt trời theo cách phân 2 vùng lần lượt là 1.916 đồng/kWh (8,38 cent/kWh) và 1.758 đồng/kWh (7,09 cent/kWh).
Dữ liệu của Bộ Công Thương cho biết, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, còn điện gió là 16.500 MW. Đến hết tháng 6, đã có 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500MW, trong đó tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận và Bình Thuận.