Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có doanh nghiệp nước ngoài núp bóng mua cổ phần, đất đai Việt Nam
Tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam" vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay 6/9, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương đã có những thông điệp cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc này là cần thiết để cơ cấu lại chính sách, gạn đục khơi trong luồng vốn và xử lý các vấn đề phát sinh.
"Sau 30 năm, thế và lực của nước ta có nhiều thay đổi, chúng ta có nhiều cơ hội lựa chọn, đến thời điểm ưu tiên lựa chọn dự án phù hợp với trình độ phát triển khoa học, công nghệ nước ta", ông Thắng nói.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết mà Bộ Chính trị ban hành là rà soát vấn đề an ninh quốc phòng đối với các dự án FDI, đặc biệt ở các khu vực, lĩnh vực nhạy cảm.
Theo ông Thắng: "Gần đây, tình hình đầu tư FDI có phức tạp, phải có cơ chế rào soát trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư là cần thiết. Điều này đảm bảo dự án đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia, nhấn mạnh nhiều về môi trường, an ninh trật tự, không gây ảnh hưởng tới văn hóa của Việt Nam".
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch nêu: "Hiện nay, pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng, nên chuyện người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt là có, việc rà soát an ninh quốc phòng là điều bình thường".
Theo ông Thắng, việc rà soát, cấm cấp phép, thậm chí rút dự án có ảnh hưởng an ninh quốc phòng được nhiều nước làm, trong đó có các nước như Mỹ, EU.
"Một loạt công ty công nghệ cũng đang bị hạn chế tiếp cận thị trường các nước phát triển Mỹ và EU vì lo ngại vấn đề an ninh", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch nói.
Ông Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút FDI, cơ chế ưu đãi đầu tư thực sự có những cái hơi lạc hậu, tập trung theo chiều rộng, chứ không theo chiều sâu. Thời gian tới, cần thay đổi cách tiếp cận, chỉ ưu đãi phần giá trị gia tăng làm trên đất nước Việt Nam, ưu tiên kết nối với doanh nghiệp trong nước....
Theo ông này, những doanh nghiệp chỉ nhập khẩu máy móc, nguyên liệu về gia công, xuất khẩu cần được xem lại, không nên cho ưu đãi.
Cũng tại tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Chính trị đã đưa vào Nghị quyết cụm từ "hợp tác đầu tư" chứ không phải "kêu gọi đầu tư". Điều này chứng tỏ chúng ta có cách tiếp cận vốn với cách mới, chủ trương mới không phải thu hút mọi dự án, các dựa án nguy cơ an ninh, môi trường, công nghệ cũ không nên hợp tác.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng cho biết: "Vốn ảo của địa phương thời gian qua cũng có, nhưng TP. Hải Phòng đã kiểm soát. Chúng tôi chuyển sang thu hút FDI từ số lượng và chất lượng".
Hải Phòng chủ động xây dựng danh mục khuyến khích đầu tư và danh mục không khuyến khích đầu tư, đặc biệt chú trọng tới nhà đầu tư có hay sử dụng vốn ảo.
Theo ông Thành, địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng để xác định chất lượng vốn FDI. Các dự án với dòng vốn đầu tư lớn, lãnh đạo cần trực tiếp chỉ đạo, xem dòng vốn đó có thực sự giải ngân vào thị trường không? Các cơ quan địa phương phải chủ động tham mưu giám sát đầu tư và rót vốn vào thị trường thế nào?