|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm những gì ở nước ngoài?

21:45 | 24/08/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 2.000 tỷ USD ra nước ngoài kể từ năm 2005...

Từ năm 2005, các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có nhiều công ty quốc doanh, đã đầu tư tổng cộng 2.000 tỉ USD vào các doanh nghiệp và dự án xây dựng ở nước ngoài, thâu tóm mọi thứ từ ngân hàng, chuỗi khách sạn danh tiếng cho tới những nhà sản xuất năng lượng lớn. 

Với số liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, trang MSN tổng hợp 16 thương vụ đầu tư lớn nhất của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.

16. HNA - Ingram Micro (Mỹ): 6 tỉ USD

11

Trong năm 2016 và 2017, tập đoàn HNA, hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm hàng không, dịch vụ tài chính, du lịch..., đã đầu tư hơn 50 tỉ USD vào các công ty ở nước ngoài. Tháng 2/2016, công ty này chi 6 tỉ USD mua lại nhà phân phối linh kiện máy tính Ingram Micro của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi phát hiện thương vụ với Ingram Micro chỉ mang lại "trái đắng", HNA hiện đang tìm cách bán lại công ty này. 

15. HNA - Hilton Worldwide (Mỹ): 6,5 tỉ USD

12

Tháng 10/2016, HNA tiếp tục có thương vụ lớn tại Mỹ khi mua lại 25% cổ phần tại chuỗi khách sạn Hilton Worldwide từ tay Blackstone. Tuy nhiên, do chìm trong nợ nần, tới tháng 4/2018, HNA đã phải bán số cổ phần này. 

14. China Minmetals, Suzhou Guoxin và CITIC - mỏ đồng Las Bambas (Peru): 7 tỉ USD 

13

Năm 2014, một nhóm công ty gồm hai hãng khai khoáng China Minmetals, Suzhou Guoxin và công ty đầu tư quốc doanh CITIC mua lại mỏ đồng Las Bambas tại Peru với giá 7 tỉ USD. 

13. Shuanghui - Smithfield Foods (Mỹ): 7,1 tỉ USD 

14

Khi tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc ngày càng đông, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cũng tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu này, năm 2013, nhà sản xuất thịt lợn số một Trung QUốc Shuanghui (hiện là Tập đoàn WH) đã mua lại công ty thịt lợn lớn nhất thế giới Smithfield Foods của Mỹ với giá 7,1 tỉ USD. 

12. Sinopec - Repsol (chi nhánh Brazil): 7,1 tỉ USD 

15

Tháng 10/2010, công ty dầu khí Trung Quốc Sinopec mua lại 40% cổ phần chi nhánh tại Brazil của hãng năng lượng Tây Ban Nha Repsol. Thương vụ 7,1 tỉ USD giúp mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế của Sinopec, đồng thời giúp Repsol khai phá nguồn dự trữ dầu mỏ tại Brazil. 

11. Sinopec - Addax Petroleum (Thụy Sỹ): 7,2 tỉ USD 

16

Không lâu trước thương vụ với Repsol, tháng 6/2009, Sinopec cũng chi 7,2 tỉ USD mua lại công ty xăng dầu Addax Petroleum của Thụy Sỹ. Addax Petroleum hiện là một trong những nhà sản xuất đầu mỏ lớn nhất tại tây Phi. 

10. ChemChina - Pirelli (Italy): 7,9 tỉ USD

17

Tháng 6/2015, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc dẫn đầu bởi công ty hóa chất nông nghiệp, cao su ChemChina đã mua lại hãng lốp danh tiếng Pirelli của Italy với giá 7,9 tỉ USD. 

9. Tencent - Supercell (Phần Lan): 8,6 tỉ USD

18

Với mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế, tháng 6/2016, hãng công nghệ khổng lồ Tencent của Quốc đã chi 8,6 tỉ USD mua lại 84,3% cổ phần của hãng game Supercell của Phần Lan. Supercell nổi tiếng với các game di động đình đám như Clash of Clans và Hay Day.

8. Geely - Daimler (Đức): 9 tỉ USD

19

Với tham vọng trở thành "Volkswagen Trung Quốc", sau khi thâu tóm Volvo Cars và Lotus, tập đoàn ôtô Geely tiếp tục mua lại 9,7% cổ phần tại hãng xe Daimler của Đức - công ty sở hữu Mercedes-Benz, Smart Automobile và một số thương hiệu nổi tiếng khác - với giá 9 tỉ USD. Thương vụ này được chốt vào tháng 2/2018, đưa Geely trở thành cổ đông riêng lẻ lớn nhất của Daimler. 

7. Vanke, Hopu, Hillhouse và Bank of China - GLP (Singapore): 9,1 tỉ USD

20

Tháng 11/2017, nhóm công ty Trung Quốc gồm hãng bất động sản Vanke, các công ty đầu tư Hopu và Hillhouse, cùng ngân hàng Bank of China đã thực hiện thương vụ thâu tóm cổ phần tư nhân lớn nhất tại châu Á thời điểm đó. Nhóm này đã mua lại 79% cổ phần của hãng vận hành nhà kho Singapore Global Logistics Properties (GLP) với giá 9,1 tỉ USD. 

6. Ping An - HSBC (Anh): 9,7 tỉ USD 

21

Tháng 12/2017, công ty bảo hiểm lớn thứ hai Trung Quốc Ping An chi 9,7 tỉ USD mua 5% cổ phần của ngân hàng có trụ sở tại Anh. Hiện Ping An nắm giữ 7% cổ phần HSBC. 

5. HNA - CIT Group (Mỹ): 10,4 tỉ USD 

22

Tháng 4/2017, HNA thực hiện thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử công ty khi mua lại mảng cho thuê máy bay của công ty Mỹ CIT Group với giá 10,4 tỉ USD. Thương vụ này được thực hiện qua công ty con của HNA - Avolon, đưa HNA trở thành một trong những công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới. 

4. Chinalco - Rio Tinto (Anh): 12,8 tỉ USD

23

Tháng 2/2018, công ty quốc doanh Chinalco, hiện là nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba thế giới, mua lại cổ phần thiểu số tại công ty khai khoáng Rio Tinto, có trụ sở tại Anh, với giá 12,8 tỉ USD. 

3. CIC - Logicor (Anh): 13,8 tỉ USD

24

Tháng 7/2017, quỹ đầu tư công Trung Quốc China Investment Corporation (CIC) thực hiện thương vụ thâu tóm cổ phần tư nhân lớn nhất tại châu Âu khi mua lại cổ phần của công ty vận hành nhà kho Logicor, có trụ sở tại Anh, với giá 13,8 tỉ USD. 

2. CNOOC - Nexen (Canada): 15,1 tỉ USD 

25

Tháng 11/2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba tại Trung Quốc, mua lại công ty dầu khí Nexen của Canada với giá 15,1 tỉ USD, từ đó nắm trong tay các cơ sở sản xuất ngoài khơi ở Vịnh Mexico, Biển Bắc và Đại Tây Dương ở khu vực tây Phi. 

1. ChemChina và China Reform Holdings - Syngenta (Thụy Sỹ): 43 tỉ USD

26

Giữa năm 2017, công ty hoá chất quốc doanh ChemChina cùng với quỹ đầu tư China Reform Holdings của chính phủ đã mua lại công ty hoá chất nông nghiệp và hạt giống Syngenta của Thuỵ Sỹ với giá 43 tỉ USD. Sau hàng loạt thương vụ "khủng" thời gian qua, nhiều quốc gia phương Tây tỏ ra cảnh giác với dòng vốn từ Trung Quốc và đưa ra nhiều biện pháp nhằm siết chặt quy định đầu tư nước ngoài. 

Minh Nhật