Doanh nghiệp Trung Quốc trong vòng xoáy chiến tranh thương mại [Phần 2]: Nguy cơ vỡ nợ hàng loạt
Doanh nghiệp Trung Quốc trong vòng xoáy chiến tranh thương mại [Phần 1]: Lợi nhuận tụt dốc, cắt giảm việc làm |
Hãng bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes mới đây dự báo tỉ lệ mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tăng 20% trong năm 2019, cao hơn rất nhiều mức 6% toàn cầu. Tỉ lệ này đã tăng mạnh 60% trong năm ngoái giữa bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong một thập kỉ.
Nguồn: Nikkei, Euler Hermes |
Dự báo của Euler Hermes được đưa ra sau khi hàng loạt công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện những thiệt hại do tăng trưởng kinh tế chậm lại gây ra. Hãng tin Nikkei tính toán khoảng 30% trong số 3.600 công ty niêm yết tại Trung Quốc có lợi nhuận sụt giảm trong năm 2018. Khoảng 400 công ty thập chí còn lỗ ròng.
Bị thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do ảnh hưởng của chiến dịch giảm vay nợ do Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành.
Tình trạng co thắt tín dụng này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm 2019, khiến các doanh nghiệp này càng chịu áp lực lớn. Tỉ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đã lên mức cao kỉ lục trong năm ngoái.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm vẫn duy trì đánh giá triển vọng ổn định đối với trái phiếu doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là do nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng. Tuy vậy, S&P Global Rating gần đây đã hạ bậc tín nhiệm của hai tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc đại lục niêm yết ở Hong Kong là Yida China Holdings và Guorui Properties.
Fitch Ratings cũng đang đưa ra đánh giá ổn định đối với danh mục gồm 434 công ty Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó nhóm xây dựng nhà ở của Trung Quốc là nhóm duy nhất có triển vọng tiêu cực. Tuy nhiên, giám đốc cao cấp Matt Jamieson lưu ý những rủi ro đang dần lộ rõ trong một báo cáo gần đây. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể bắt đầu gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất”, ông nói.
Việc tỉ lệ vỡ nợ doanh nghiệp của Trung Quốc tăng với tốc độ hai chữ số trong năm nay sẽ “có nhiều nguyên nhân, từ tăng trưởng suy yếu và điều chỉnh của nền kinh tế vĩ mô - đặc biệt là tăng trưởng tín dụng, Chương trình Vành đai và Con đường và các vấn đề thương mại quốc tế”, báo cáo của Euler Hermes nhấn mạnh.
Một nguyên nhân quan trọng khác gây ra tình trạng phá sản là việc “thủ tục phá sản đang ngày càng được “ưa chuộng” sử dụng – đặc biệt là bởi các cơ quan quản lí – để dọn dạch các doanh nghiệp kiểu “thây ma” (zombie) do nhà nước sở hữu (theo một số ước tính, số lượng doanh nghiệp loại này đã vượt con số 20.000)”.
Trước đây, chính phủ Trung Quốc chấp nhận tỉ lệ vay nợ cao của doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên từ 2017 đến nay, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu ưu tiên giảm rủi ro vay nợ và gây áp lực lên các ngân hàng để hạn chế cho vay các doanh nghiệp nhà nước trong cảnh túng quẫn hay còn gọi là zombie. Đây là những doanh nghiệp chỉ tồn tại được nếu có trợ cấp của chính phủ.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin rằng chính quyền Bắc Kinh muốn tất cả doanh nghiệp zombie phải đóng cửa trước năm 2020. Diễn biến này có thể tác động lớn tới tăng trưởng.
Ông Xiao Minjie, một chuyên gia trong lĩnh vực M&A nhận định, trong ngắn hạn, tình trạng vỡ nợ tăng cao sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp zombie quốc doanh là những công ty lâu đời trong các ngành như thép hay thương mại. Nếu các doanh nghiệp này phá sản, Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác có thể bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong mắt xích chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Ông Mahamoud Islam, một chuyên gia kinh tế Châu Á tại Euler Hermes thì cho rằng, “việc đóng cửa các doanh nghiệp không có khả năng tồn tại có thể mang lại một nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn trong dài hạn”.
Euler Hermes dự báo tỉ lệ vỡ nợ của các quốc gia Châu Á khác sẽ khá ổn định, cụ thể tỉ lệ vỡ nợ của doanh nghiệp Singapore được kì vọng tăng 3%, Hong Kong là 2% và Nhật Bản là 1%.
Tuy nhiên do nhân tố Trung Quốc, tỉ lệ vỡ nợ của doanh nghiệp Châu Á trong cả năm 2019 được kì vọng sẽ tăng 15%, năm ngoái tỉ lệ này cũng tăng ở mức hai chữ số là 37%. Trong số các vụ vỡ nợ lớn trong quí I, II, III/2018, Châu Á đóng góp 1/4.
Hai chủ nợ lớn có nguy cơ vỡ nợ
Trong một diễn biến mới đây, hai tập đoàn vay nợ lớn tại Trung Quốc đã không thể trả khoản nợ đến hạn tháng này, làm dấy lên lo ngại về tình hình rủi ro trên thị trường tín dụng nước này.
Cụ thể, Tập đoàn China Minsheng Investment Group – một công ty đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản – không trả tiền cho các chủ nợ vào ngày ½ theo cam kết. Một công ty khác là Wintime Energy, từng vỡ nợ một lần hồi năm ngoái, tiếp tục không thể trả được một khoản nợ đã được tái cấu trúc đến hạn hồi tuần trước.
Đây đều là những diễn biến đáng chú ý vì cả hai công ty này đều vay mượn rất lớn và những khó khăn của hai công ty trong việc tiếp cận nguồn tài chính cho thấy nỗ lực của chính phủ trong hỗ trợ thị trường trái phiếu 11.000 tỉ USD không mang lại lợi ích cho tất cả doanh nghiệp.
Nếu China Minsheng cũng vỡ nợ thì công ty này sẽ sánh ngang với Wintime Energy như là những vụ vỡ nợ lớn nhất của Trung Quốc. Theo một báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tính đến ngày 30/6/2018, nợ phải trả của China Minsheng lên tới 232 tỉ nhân dân tệ, tương đương 34,3 tỉ USD.
Xem thêm |