|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu thuế kinh doanh xuyên biên giới: Vẫn chưa dễ dàng

09:58 | 01/09/2019
Chia sẻ
Luật Quản lí thuế sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, đã tính đến việc quản lí đối với lĩnh vực kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới (doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam qua mạng internet).

Nhưng việc thu thuế đối với hoạt động này vẫn chưa dễ dàng, cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Thu thuế kinh doanh xuyên biên giới: Vẫn chưa dễ dàng - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được cung cấp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Vân Ly

Kêu gọi tính tự giác của doanh nghiệp

Ông Kuek Yu Chuang, Giám đốc điều hành của hãng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Tại buổi làm việc này đại diện Netflix cho biết đang cung cấp dịch vụ tại 190 quốc gia trên thế giới và mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam nghiêm túc. Do đó Netflix cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Sở dĩ đại diện Netflix đưa ra thông điệp trên vì tại buổi làm việc đó cũng như những hội thảo gần đây về chủ đề kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới, ông Hùng đã nhấn mạnh, Việt Nam là một nước có chủ quyền, các doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam hoạt động kinh doanh phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Sự tuân thủ này được hiểu là cả tuân thủ về góc độ kiểm duyệt nội dung và trách nhiệm về nộp thuế.

Còn tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế được tổ chức mới đây, ngành thuế cũng cho biết Netflix đã đăng kí nộp thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam đăng ký nộp thuế lên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Tại hội nghị này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế là trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. 

Khi các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới không có hiện diện thương mại tại Việt Nam không kê khai nộp thuế, cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn.

Ông Huy cũng cho biết, Luật Quản lý thuế hiện đã có điều 27 quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các ngân hàng thương mại là: khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Song ông Huy cũng cho rằng đây là vấn đề khó không chỉ ở Việt Nam mà còn cả nhiều nước thế giới. Ông cũng cho biết cơ quan thuế đang cùng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xác định tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn các đơn vị thực hiện khấu trừ đúng quy định.

Thực tế, Luật Quản lý Thuế sửa đổi mới được Quốc hội phê chuẩn thông qua vào giữa tháng 6 vừa qua. Để Luật này có thể đi vào cuộc sống cần có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành trong thời gian tới. 

Và để Luật này có hiệu quả, thì các văn bản dưới Luật này cần phải bám sát với thực tế để đưa ra các quy định. Và mọi người đang chờ đợi điều này.

Thiết lập hành lang pháp lý bình đẳng cho các bên

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn cần tuân thủ pháp luật Việt Nam.

“Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở lên giàu có thì cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp”, ông Hùng nói.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp về pháp lý, kinh tế và kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp.

Được biết, ngoài Netflix, Tencent và Baidu của Trung Quốc cũng đang cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến tại Việt Nam. Tencent cung cấp hàng chục ngàn bộ phim qua ứng dụng We TV còn Baidu cung cấp dịch vụ qua ứng dụng iQiYi. 

Ngoài ra còn có các dịch vụ của Apple TV... Các dịch vụ này được cung cấp cho người dùng Việt Nam và thu phí bằng tiền Việt Nam.

Hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang được quản lý theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Theo đó các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện như: là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. 

Các chương trình, nội dung nước ngoài trước khi cung cấp cho người dùng phải tuân thủ quy định về biên tập, biên dịch và quản lý nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam (phải được một đơn vị được nhà nước chỉ định thực hiện biên tập, biên dịch trước khi cung cấp cho người dùng).

Trong Nghị định trên chưa có quy định cụ thể điều chỉnh đối với các dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam nên Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành sửa đổi nó. 

Trong đó sẽ bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Dự thảo sửa đổi đang được trình Chính phủ xem xét ban hành.

Thực tế, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp truyền hình nước ngoài khai thác thị trường Việt Nam

Việc các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới vào cung cấp dịch vụ tại Việt Nam ngày càng nhiều làm cho doanh nghiệp trong nước lên tiếng về chính sách quản lý sao cho công bằng.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, ông Trần Văn Úy đã lên tiếng đề nghị nhà nước phải có chính sách quản lý bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trong và ngoài nước. Tránh tình trạng doanh nghiệp nội phải tuân thủ pháp luật trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì không.

Bởi các doanh nghiệp nội cho biết, một bộ phim nước ngoài có bản quyền được các doanh nghiệp nội cung cấp trên hệ thống của họ phải chịu các loại thuế như: thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. 

Với một chương trình truyền hình nước ngoài có cài sẵn quảng cáo, khi họ phát thì người Việt Nam phải xem những quảng cáo này nhưng Việt Nam lại không thu được đồng thuế nào từ các quảng cáo này.

Còn ông Nguyễn Ngọc Lanh, Phó giám đốc VTC Digital kiến nghị, Chính phủ cần phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ truyền hình trả tiền trong và ngoài nước. 

Chính sách bảo hộ ngược (doanh nghiệp nội phải tuân thủ quy định trong khi doanh nghiệp ngoại thì không) đã ảnh hưởng rất lớn tới các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trong nước suốt thời gian qua là bài học cần cân nhắc cho việc quản lý các dịch vụ nội dung số khác.

Còn ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế thì mọi doanh nghiệp khi kinh doanh ở Việt Nam kể cả trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ.

Quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới qua môi trường mạng internet sao cho công bằng, không để tình trạng cùng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp nội bị “túm tóc” còn doanh nghiệp ngoại thì không đang là mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. 

Và các doanh nghiệp nội mong mỏi các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực hơn nữa để tạo một môi trường phát triển kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp Việt. Và để làm được điều này rất cần sự nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông lẫn Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan.

Vân Ly