Bức tranh tài chính Thành Bưởi: Doanh thu trăm tỷ mỗi năm, liên tục báo lỗ
Thị trường vận tải hành khách trong nước đã phát triển với đầy đủ các loại hình phương tiện, từ tàu hỏa cho tới máy bay hay các chuyến xe khách liên tỉnh. Trái ngược với ngành hàng không hay đường sắt khi thị phần được định hình bởi một vài đơn vị, ngành vận tải hành khách bằng đường bộ lại đa dạng hơn rất nhiều.
Số liệu từ Cục Đường bộ cho thấy, tới hết năm ngoái, cả nước có gần 19.000 đơn vị với gần 225.000 xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, chiếm gần 71% tổng số lượng xe khách cả nước. Với xe du lịch, cả nước có hơn 3.500 xe của 738 đơn vị kinh doanh, chiếm hơn 1% tổng số xe khách.
Vì tính chất phức tạp của loại hình giao thông đường bộ, không có một đơn vị nào đủ lớn để vươn mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu cả nước. Các hãng xe khách thường chỉ phục vụ các tuyến nhất định ở từng khu vực. Tùy vào chất lượng và quy mô đội xe, các tên tuổi lớn sẽ tự định hình danh tiếng của họ trong ngành.
Thành Bưởi là một ví dụ như vậy. Có thể với nhiều khách hàng ở miền Bắc và Trung, cái tên Thành Bưởi hoàn toàn xa lạ. Song, tại khu vực TP HCM, thương hiệu Thành Bưởi gắn liền với các chuyến xe tới TP Đà Lạt. Khi nhắc tới đi du lịch Đà Lạt, Thành Bưởi gần như trở thành lựa chọn của đa số hành khách.
Nhà xe Thành Bưởi do Công ty TNHH Thành Bưởi vận hành. Công ty được thành lập vào tháng 3/2000. Sau 24 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ của công ty hiện ở mức 80 tỷ đồng. Tại thời điểm đầu năm 2022, công ty này có hai cổ đông lớn là ông Lê Đức Thành nắm 84,71% và ông Lê Dương (con của ông Thành) nắm 15,29% vốn cổ phần.
Ông Lê Đức Thành là Giám đốc cũng đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của Công ty Thành Bưởi. Ông Lê Dương đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc điều hành của công ty.
Thành Bưởi phục vụ ba tuyến chính gồm TP HCM đi Đà Lạt, Cần Thơ và Đà Lạt - Cần Thơ. Ngoài vận tải hành khách, công ty còn thực hiện vận tải hàng hóa, cho thuê xe, tổ chức tour du lịch...
Đối với mảng vận tải, công ty có 4 loại xe gồm xe tải đông lạnh, xe container, xe tải 2 tấn và xe tải 10 tấn.
Theo số liệu từ Vietdata, doanh thu năm 2020 của Thành Bưởi là gần 500 tỷ đồng, đến năm 2021, con số này đã giảm 50% do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tới năm ngoái, nhà xe này đã lấy lại phong độ khi doanh thu đạt hơn 486 tỷ đồng.
Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của nhà xe Thành Bưởi lại không được như mong đợi khi khoản lỗ ngày càng tăng lên. Đến năm 2022 mức lỗ này đã hơn 85 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với những năm trước.
Đối thủ của Thành Bưởi
Ngoài thương hiệu Thành Bưởi, tại khu vực phía Nam, một tên tuổi lớn khác được hành khách thường xuyên lựa chọn là Phương Trang.
Đơn vị vận tải này thành lập vào năm 2001, hiện sở hữu hơn 2.000 đầu xe các loại phục vụ cho mọi nhu cầu của khách hàng. Hoạt động kinh doanh chính của Phương Trang là vận tải hành khách, mua bán xe ô tô, bất động sản và kinh doanh dịch vụ.
Về phương diện cung cấp dịch vụ, Phương Trang đưa ra các tuyến xe từ TP HCM đi các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung từ Huế trở vào.
Phương Trang sở hữu hệ thống đặt vé trên website và ứng dụng, ngoài ra hãng cũng liên kết với ví điện tử Momo giúp khách hàng thuận tiện hơn trong khâu đặt vé.
Hãng cho biết mỗi ngày, Phương Trang hoạt động 1.000 chuyến xe liên tỉnh và lượt khách bình quân trong năm của hãng là hơn 1 triệu.
Kumho Samco thuộc liên doanh Kumho Samco Buslines của tập đoàn Kumho và Tổng công ty Samco cũng là một cái tên đáng chú ý ở lĩnh vực vận tải hành khách. Hãng cung cấp các chuyến xe như TP HCM đi Phan Thiết; đi Vũng Tàu; đi Buôn Mê Thuột.
Hiện nay,Kumho Samco không chỉ mở rộng quy mô hoạt động ở các tuyến cố định tại các tỉnh như: Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, các tỉnh miền Tây,…mà còn tăng cường phục vụ khách hàng du lịch, khách hợp đồng. Doanh thu năm 2022 của Kumho Samco đạt mức 231 tỷ đồng, theo số liệu từ Vietdata.