Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Can thiệp sớm giúp ngăn chặn ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Chiều 10/6, báo cáo giải trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết vấn đề “can thiệp sớm" là điểm mới ở dự thảo luật lần này.
Những quy định này được Ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như thực tiễn từ sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB, tháng 10/2022; đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, gần đây là các ngân hàng thương mại của Mỹ.
Theo Thống đốc NHNN, với một tổ chức tín dụng được thành lập, cấp phép khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong quá trình hoạt động, do yếu tố khách quan, chủ quan, các tổ chức tín dụng sẽ có những thời điểm, giai đoạn khó khăn.
Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý cũng sẽ cảnh báo rủi ro để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời. Còn nếu các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân, khi đó mức độ quản lý sẽ cần mạnh hơn thông qua quá trình can thiệp sớm.
"Trong quá trình can thiệp sớm ở đây trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu ngân hàng. Họ phải có phương án để khắc phục khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động của họ, đặc biệt trong giai đoạn này cần các giải pháp hỗ trợ.
Luật hiện hành của chúng ta có quy định can thiệp sớm nhưng quy định thời hạn 1 năm rất ngắn và không quy định biện pháp hỗ trợ nên trong trong thực tiễn rất khó triển khai.
Dự thảo luật lần này có cả hỗ trợ từ NHNN với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng khi tổ chức tín dụng bị khó khăn về thanh khoản, để đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân. Bên cạnh đó cũng huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, rồi từ bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã…”, bà Hồng nói.
Thống đốc cho biết, thực tế kinh nghiệm quốc tế vừa qua cho thấy, không phải chờ đến các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản mới vào cuộc xử lý. Ví dụ hai ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank và First Republic Bank, có tổng tài sản trên 200 tỷ USD, nợ xấu rất thấp, chỉ dưới 1% và số dự phòng rủi ro so với giá trị nợ xấu gấp 4,6 đến 6 lần.
Đây là các ngân hàng có lãi liên tiếp từ năm 2010 đến nay, nhưng các ngân hàng vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt. Đặc biệt, bây giờ với sự phát triển của công nghệ, người dân không phải đến rút tiền ở ngân hàng, mà có thể ngồi ở nhà điều khiển bằng điện thoại. Chỉ trong vài ngày, ngân hàng đã bị rút hơn 100 tỷ USD. Sau đó ngân hàng Trung ương của Mỹ phải cho vay trên 100 tỷ USD và các ngân hàng khác trong hệ thống cũng phải cho vay đến vài chục tỷ USD.
"Với ngân hàng bình thường, nếu chỉ vì nguyên nhân nào đấy vẫn có sự rút tiền hàng loạt, thì ở đây đều được đưa vào quá trình can thiệp sớm. Còn nếu chờ đến lúc tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt (là giai đoạn rất khó khăn) mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, bà Hồng nói.
Báo cáo một số vấn đề lớn khác, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với các ý kiến cần có một chương hay một phần riêng quy định về ngân hàng chính sách, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua các cuộc hội thảo, tọa đàm và ý kiến của các cơ quan liên quan, ban soạn thảo đã thiết kế Điều 17 đối với loại hình ngân hàng chính sách xã hội theo hướng quy định chung nhất.
Về ý kiến phát biểu của đại biểu tại tổ, cũng như thảo luận tại hội trường đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động và thậm chí về xử lý nợ xấu cũng như về tái cơ cấu các ngân hàng này này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, nhưng trên thực tế, luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng loại ngân hàng.
Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông, sở hữu của cổ đông và người có liên quan, giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng và một khách hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo luật thiết kết như vậy nhằm mục đích hướng đến là hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội.
Cũng tại quy định này có khái niệm “người có liên quan”, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định về người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp. Thống đốc khẳng định, với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng, Ban soạn thảo xây dựng theo hướng mở rộng người có liên quan.
Thống đốc nhấn mạnh, đi đôi với thực hiện quy định trong luật, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thực tế, quy định về sở hữu cổ đông, sở hữu chéo không cho phép và trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Nhưng trong thực tiễn có tình trạng cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên nhưng ngân hàng không thể nắm được, đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp.