|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thông điệp 'nóng' về nợ công

08:30 | 29/01/2017
Chia sẻ
"Vừa qua một số dự án ta bảo lãnh có dự án không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay. Theo tôi, phải hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
thong diep nong ve no cong

Ảnh minh họa.

Chia sẻ với báo chí về những vấn đề nóng của ngành Tài chính trong năm 2016 vừa qua như nợ công, ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận rằng, năm 2016 vừa qua, có những thuận lợi nhưng khó khăn cũng rất lớn.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những khó khăn được chỉ ra như vấn đề tăng trưởng kinh tế không được theo dự báo ban đầu, trong nước, những diễn biến không thuận lợi nhất là sự cố môi trường, thiên tai xảy ra trên cả nước tác động lớn tới phát triển kinh tế, xã hội.

“Hết năm, chúng ta tăng trưởng 6,21% GDP trong khi mức dự kiến trước đó là 6,7% GDP. Cân đối ngân sách của chúng tôi được tính trên cơ sở tăng trưởng 6,7% GDP nên có thời điểm ngân sách khó cân đối thu chi”, Bộ trưởng Dũng nói.

Thứ hai, theo Bộ trưởng Dũng, giá dầu ở mức thấp dự toán đưa ra ban đầu là 60 USD/thùng nhưng hồi đầu năm, giá dầu thậm chí chỉ còn 30 USD/thùng. Bình quân quyết toán cả năm cũng chỉ ở mức 44 USD/thùng, giảm 16 USD/thùng so với dự toán.

Bộ trưởng Dũng cho biết, từ đầu năm ngành Tài chính đã thực hiện các biện pháp như hướng dẫn người nộp thuế, đơn giản thủ tục hành chính, tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu thuế. Theo đó, toàn ngành đã thực hiện hơn 92.000 vụ thanh kiểm tra qua đó xử lý hơn 37.000 tỷ đồng, thu nợ thuế năm qua cũng đạt hơn 42.000 tỷ đồng, đưa số nợ thuế cuối năm 2016 giảm so với thời điểm cách đó 1 năm.

thong diep nong ve no cong

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

“Cuối năm, ngành đã hoàn thành 107,8% dự toán Quốc hội thông qua trong đó ngân sách địa phương vượt cao và Trung ương đảm bảo. Đó là điều quan trọng trong điều kiện tăng trưởng kinh tế không như kế hoạch”, Bộ trưởng Dũng dẫn số liệu.

Liên quan đến vấn đề nợ công, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 2016 Bộ Tài chính đã thường xuyên báo cáo số liệu nợ công trước Quốc hội, Chính phủ, đồng thời thực hiện tốt việc tái cơ cấu nợ công.

Cụ thể, với huy động vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, mục tiêu Chính phủ đặt ra: huy động vốn thời hạn 5 năm trở lên là 70%, thời hạn 3 năm là 30% nhưng năm 2016 ngành Tài chính đã huy động vốn kỳ hạn 5 năm trở lên là 91%.

Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ năm qua đã lên 5,71 năm, dài gấp 3 lần năm 2011 và gấp 2 lần năm 2013.

“Chúng ta huy động năm vừa qua với lãi suất bình quân trên dưới 6% là rất tốt. So sánh những năm 2012-2013, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ có lúc lên tới 12-13%. Những khoản huy động trái phiếu ngắn hạn 2-3 năm thời điểm đó đến nay đã trả hết và kéo dài được kỳ hạn. Như vậy, so với giai đoạn đó, kỳ hạn trái phiếu đã dài gần gấp đôi và lãi suất giảm một nửa”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tới đây Bộ Tài chính kiến nghị trình Chính phủ Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Cụ thể, các vấn đề liên quan tới nợ công ví dụ như hiệu quả nợ công phải được kiểm soát chặt chẽ. Một trong những giải pháp đang triển khai là tăng vay về cho vay lại, giảm cấp phát cho địa phương.

“Ngoài ra, ta cần kiểm soát chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ. Vừa qua một số dự án ta bảo lãnh có dự án không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay. Theo tôi, phải hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng cho kiến nghị.

Đồng thời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề cập việc làm rõ trách nhiệm các ngành các cấp trong quản lý, sử dụng nợ công, khi xảy ra sự kiện gì thì phải rõ trách nhiệm.

“Một điểm nữa là Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực từ năm 2017 có điểm mới là có bội chi địa phương. Bây giờ vay ở đâu, bội chi ở đó. Nợ của chính quyền địa phương cũng phải được kiểm soát, tổng hợp báo cáo Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Thảo