|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thời điểm lựa chọn tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương

07:32 | 07/07/2021
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương toàn cầu hiện đang bước vào một giai đoạn mới, với quan điểm "lưỡng lự" trong hành động tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp chưa từng có hay điều chỉnh tăng lãi suất.

Hai tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khẳng định lập trường chính sách tiền tệ bằng tuyên bố sẽ tăng lãi suất vào đầu năm 2023. Ngân hàng Trung ương Czech và Ngân hàng trung ương Hungary thậm chí đã tăng lãi suất, còn Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng dự kiến bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 9/2021.

Thời điểm lựa chọn tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương - Ảnh 1.

Trụ sở ECB tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Australia (RBA, ngân hàng trung ương), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoA), và một số ngân hàng trung ương khác đang thể hiện thái độ “trung dung” hơn, với tuyên bố chưa xem xét nâng lãi suất ít nhất tới năm 2024.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo chuyên về kinh tế Hans van Leeuwen nhận định các ngân hàng lớn nhất thế giới đang cố chống chọi với xu hướng lạm phát thấp bằng lựa chọn gắn bó cùng chính sách tiền tệ nới lỏng trong một quãng thời gian dài hơn.

Châu Âu chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ

Tại châu Âu, sau hơn một năm kinh tế “khốn khó” vì dịch COVID-19, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Chỉ số môi trường kinh doanh (Ifo) của Đức trong quý I/2021 cho thấy niềm tin kinh doanh đã trở lại mức cao chưa từng thấy kể từ trước đại dịch.

Trên toàn nước Pháp, chỉ số INSEE tương đương cũng ở mức cao sau đại dịch, nhờ các ngành dịch vụ bắt đầu khởi sắc trở lại và lĩnh vực sản xuất ghi nhận dấu hiệu tích cực.

Nền kinh tế EU đang hưởng lợi từ việc các hộ gia đình tăng chi tiêu, nhờ khoản tiền tiết kiệm tích lũy được trong quãng thời gian các hoạt động du lịch, giải trí bị hạn chế do đại dịch.

Chuyên gia của Oxford Economics dự đoán các công ty trên khắp Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã có thể bước vào giai đoạn phục hồi, nhờ nhận được sự hỗ trợ “hào phóng” của chính phủ và mức tín dụng rẻ chưa từng có.

Nguồn hỗ trợ kịp thời từ ngân sách quốc gia đã góp phần kiềm chế nguy cơ gia tăng các công ty "xác sống" (zombie) trên khắp Lục địa Già. Sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ đã khiến tổ chức S&P mới đây nâng dự báo tăng trưởng tại khu vực Eurozone lên mức 4,4% trong năm nay và 4,5% trong năm tới.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực này vẫn chưa đủ để ECB thay đổi quan điểm, ngay cả khi nhu cầu và nguồn cung tăng cao, khiến lạm phát gần đạt mức mục tiêu 2%.

Hầu hết các nhà quản lý của ECB đều nhất trí rằng lãi suất sẽ không bắt đầu tăng cho tới năm 2024 và ECB có thể dành một vài tháng chuẩn bị cho việc thu hẹp các chương trình nới lỏng định lượng, trước khi chính thức tăng lãi suất.

Không giống như Trung Quốc, Australia và Mỹ, khủng hoảng kinh tế tại châu Âu do dịch COVID-19 sẽ còn ảnh hưởng thêm một thời gian nữa, trước khi châu lục này phục hồi về mức sản lượng trước đại dịch.

Nhà kinh tế trưởng Andrew Kenningham của Capital Economics nhận định: “So với Mỹ, chính sách kích thích của Eurozone có quy mô nhỏ hơn, với điểm khởi đầu cho lạm phát thấp, kỳ vọng lạm phát cũng thấp hơn”.

Ông Kenningham cũng đang theo dõi bản đánh giá toàn cảnh về chiến lược chính sách tiền tệ của ECB, do các thành viên hội đồng quản trị thiết lập tại cuộc họp hồi tháng Sáu.

Ông Kenningham nói thêm, điều này có khả năng chuyển mục tiêu lạm phát của Frankfurt lên mức 2%, từ mức thiết lập lâu nay là “thấp hơn nhưng gần bằng” mốc đó. Đây sẽ là yếu tố làm giảm bớt bất kỳ áp lực nào đòi hỏi phải tăng lãi suất lên cao hơn mức hiện tại.

Vì ECB nhận thấy rằng lạm phát có thể đạt mức cao nhất là 1,7% vào năm 2023, do đó chính sách tiền tệ thắt chặt của ECB có vẻ sẽ xảy ra muộn hơn so với phía bên kia Đại Tây Dương.

Niềm tin “sáng lạn” của BoE

Trong khi đó, tại Anh, sự phục hồi cũng đang diễn ra nhờ tiến trình triển khai tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, giúp gỡ bỏ các lệnh phong tỏa và khôi phục hoạt động kinh tế. Tuần trước, BoE thừa nhận ngân hàng trung ương đã quá thận trọng về sự phục hồi và dự kiến GDP quý II sẽ cao hơn khoảng 1,5 điểm phần trăm so với quý trước đó, đạt mức 5,75%.

S&P dự đoán tăng trưởng kinh tế của Anh có thể đạt 7% trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó là 4,3%. Dự báo này phù hợp với nhận định của BoE nhưng có khả năng BoE vẫn sẽ điều chỉnh lại dự báo của mình cao hơn nữa vào báo cáo tháng 8/2021.

Lạm phát của Anh có thể vượt 2%, thậm chí có thể tăng lên 3%. Tuy nhiên, BoE cho rằng sự tăng đột biến đó chỉ là tạm thời, được thúc đẩy bởi sự gián đoạn nguồn cung và tốc độ phục hồi kinh tế nhanh. Lạm phát dự đoán sẽ ổn định trở lại trong khoảng thời gian 2-3 năm.

Giống như ECB, khuynh hướng của BoE là “theo sát rủi ro hạ giá” và tránh thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm. Sau cuộc họp vào cuối tháng Sáu, nhà kinh tế trưởng theo trường phái chống lạm phát Andy Haldane của Ủy ban chính sách tiền tệ Anh (MPC) đã phản đối ý kiến của 9 thành viên trong Ủy ban, để đơn phương bắt đầu hành động thu hẹp mục tiêu mua trái phiếu trị giá 875 tỷ bảng Anh.

Có một số dự đoán về khả năng Anh sẽ tăng lãi suất vào giữa năm 2022, nhưng vào cuối cuộc bỏ phiếu vào tuần trước, Hội đồng quản trị BoE có vẻ như vẫn quyết định sẽ tăng lãi suất chậm hơn Fed.

Tiền lương và việc làm

Câu hỏi lớn đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với tiền lương và thị trường lao động. Một mặt, khủng hoảng dịch bệnh có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao, nhưng mặt khác, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) đã khiến các thành phố lớn của EU mất đi một lượng lao động giá rẻ, làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, quán cà phê và khách sạn. Điều này có thể gây ra sức ép lớn một khi nền kinh tế các nước mở cửa trở lại hoàn toàn.

Lương cơ bản có thể sẽ tăng lên, một tín hiệu cho việc nâng lãi suất cao hơn, nhưng một số chuyên gia cho rằng lương tăng có thể dẫn tới việc lĩnh vực dịch vụ cắt giảm nhân công và vì vậy các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Australia, trong bối cảnh quốc gia Nam Thái Bình Dương đang trải qua một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra, chưa thể kết luận được rằng liệu trong thời gian tới RBA có quyết định thay đổi hành động ngược lại với Fed hay không.

Diệu Linh