Thoái vốn nhà nước: Không chỉ đạt số lượng, còn phải bảo đảm chất lượng
.Năm 2018, SCIC chỉ thoái được vốn tại 9 doanh nghiệp. Vì sao số lượng doanh nghiệp thoái vốn lại ít vậy, thưa ông?
Mặc dù chỉ bán được 100% vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp và bán bớt vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp khác, nhưng tôi cho rằng, hiệu quả thoái vốn đạt được trong năm 2018 rất ấn tượng, nếu không muốn nói là đột biến khi đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán rơi vào khó khăn kể từ cuối quý I/2018.
Hiệu quả ấn tượng chính là giá trị vốn đem bán chỉ có 2.617 tỷ đồng, nhưng thu về cho Nhà nước 7.693 tỷ đồng, gấp 2,94 lần giá trị vốn, tức là “một vốn gần 3 lời”. Đáng lưu ý là, dù thị trường chứng khoán đang lúc khó khăn, nhưng ngày 22/11/2018, SCIC đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần tại Vinaconex, thu về hơn 7.366 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều giá thị trường tại thời điểm đó, vì giá vốn nhà nước tại Vinaconex chỉ có 2.549 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 9/3/2018, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, thu về cho Nhà nước gần 2.330 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ có 145 tỷ đồng. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, giá trị bán vốn tại Nhựa Bình Minh không được ghi nhận vào kết quả tài chính của SCIC, mà chuyển hết về Quỹ Hỗ trợ và sắp xếp phát triển doanh nghiệp. Nếu tính cả phần bán vốn ở Nhựa Bình Minh thì một vốn thu về tới 3,63 lời.
Về hiệu quả (chất lượng thoái vốn), có thể nói năm 2018, SCIC đã thành công. Nhưng còn hàng loạt doanh nghiệp chưa thoái được vốn thì sao?
Tất cả doanh nghiệp thuộc danh mục thoái vốn năm 2018 theo kế hoạch mà chưa thực hiện được, chúng tôi sẽ triển khai thoái vốn ngay đầu năm nay. Ngoài ra, năm nay, chúng tôi sẽ tiếp nhận khoảng 100 doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, 32 doanh nghiệp thuộc Danh mục chuyển giao về SCIC theo Quyết định 1232/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 và khoảng 70 doanh nghiệp theo Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 5/1/2019) về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước - các doanh nghiệp theo kế hoạch thì các bộ, ngành, địa phương phải thoái vốn, song chưa thoái được.
Các doanh nghiệp chưa thoái vốn cũng như doanh nghiệp chúng tôi tiếp nhận sẽ được cổ phần hóa và thoái vốn trong năm nay. Số còn lại chuyển sang năm 2020 làm tiếp vì khi quyết định thoái vốn, cổ phần hóa cụ thể doanh nghiệp nào còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố như thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành nghề, lĩnh vực đang giao dịch trên thị trường chứng khoán. Việc thoái vốn nhà nước không chỉ nhìn vào số lượng phải hoàn thành theo kế hoạch, mà còn phải tính cả khía cạnh hiệu quả, chất lượng, bảo toàn vốn nhà nước đã đầu tư và đặc biệt là phải tránh thất thoát.
SCIC quyết tâm thoái vốn, cổ phần hóa, nhưng người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tâm lý chây ỳ thì xử lý ra sao, thưa ông?
Trong Chỉ thị 01/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, nhận thức về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của một số lãnh đạo đơn vị còn chưa quyết liệt; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa rõ trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa, thoái vốn; tư tưởng yên vị… đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới.
Đây là đánh giá chung, còn người được SCIC cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chấp hành rất nghiêm túc Quy chế Người đại diện do SCIC ban hành.
Đến thời điểm này, chúng tôi chưa xử lý kỷ luật bất cứ người đại diện nào do không chấp hành chỉ đạo, trong đó có việc chần chừ, chậm trễ trong việc thoái vốn, cổ phần hóa, mặc dù tâm lý một số anh em cũng có phần lăn tăn vì cổ phần hóa, thoái vốn đồng nghĩa với việc Nhà nước rút vốn hoàn toàn hoặc giảm tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp, thì công việc mà họ đang làm bị ảnh hưởng.
Từ việc thoái vốn thành công tại Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Vinamilk…, SCIC đã rút ra bài học kinh nghiệm gì khi tiếp tục thoái vốn nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp lớn trong năm nay và năm 2020?
Công bố công khai minh bạch mọi thông tin liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động bán vốn; lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận doanh nghiệp để tìm hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính, đầu tư… và phải tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư sau khi đã trúng đấu giá tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Theo Thông tư 95/2017/TT-BTC, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền đề cử ứng viên HĐQT hoặc ban kiểm soát; yêu cầu HĐQT triệu tập họp đại hội đồng cổ đông; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết…
Nhà đầu tư đã bỏ tiền mua doanh nghiệp mà phải đợi đến 6 tháng sau mới được đề cử người vào HĐQT hoặc ban kiểm soát để quản lý doanh nghiệp thì quá lâu, nên có phần e ngại, vì trong 6 tháng, người ta không biết điều gì xảy ra với đồng vốn của mình.
Vì vậy, với Vinaconex, ngay sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá, chúng tôi chấp thuận tổ chức đại hội đồng cổ đông, dù nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phần liên tục trong 6 tháng theo quy định, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư đưa người vào tham gia HĐQT, ban lãnh đạo, ban kiểm soát. Chính động thái cho phép tổ chức đại hội cổ đông bất thường sớm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư quản lý doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu Vinaconex được nhà đầu tư đón nhận và chúng tối thoái vốn tại Vinaconex thành công ngoài mong đợi.
Xem thêm |